Sâm Ngọc Linh Kon Tum được cấp chỉ dẫn địa lý

Hai công ty sâm ở Kon Tum vừa được nhà chức trách cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ.

Chia sẻ với VnExpress, ông Đoàn Trọng Đức – Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum, cho biết ngày 10/8, cơ quan này đã cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum.

Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Mã số chỉ dẫn địa lý của Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum là C0001-SNLKTG. Số lượng sản phẩm sâm củ được cấp giấy chứng nhận là 10.000 cây. Còn sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum mã số chỉ dẫn địa lý là C0002-SNLKTG với số lương 2.200 cây.

Hội Dược liệu tỉnh Kon Tum có trách nhiệm phát hành, quản lý và cấp tem chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho các công ty theo số lượng sâm củ được khai thác.

Sâm củ tại công ty sâm ở Kon Tum. Ảnh: Đức An

Sâm củ tại công ty sâm ở Kon Tum. Ảnh: Đức An

Khi được cấp chứng nhận này, sản phẩm của công ty sẽ được bảo vệ trước hàng giả. Những năm trước, sâm Ngọc Linh Kon Tum liên tục bị ảnh hưởng thương hiệu vì hàng giả tràn lan trên thị trường. Nhiều sản phẩm được khai thác từ vùng khác gắn mác sâm Ngọc Linh Kon Tum bán với giá cao nhưng chất lượng không đảm bảo

Các công ty được cấp giấy chứng nhận phải có trách nhiệm tuân thủ Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của tỉnh Kon Tum và các quy định có liên quan.

Sâm Ngọc Linh được trồng trên ngọn núi cùng tên, thuộc tỉnh Kon Tum. Trong 40 năm qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã chứng minh sâm Ngọc Linh là loại quý hiếm và tốt nhất thế giới hiện nay do những tính chất đặc biệt nổi trội và trồng ở vùng địa lý đặc thù. Sâm Ngọc Linh có hàm lượng saponin cao, được đưa vào danh sách quốc bảo của Việt Nam – một trong những sản phẩm quan trọng nhất về dược liệu.

Kon Tum có khoảng 1.240 ha sâm. Số lượng này tập trung chủ yếu ở huyện Tu Mơ Rông với hơn 1.190 ha, còn lại ở huyện Đăk Glei.

Kon Tum cũng kỳ vọng đến 2025 sẽ phát triển khoảng 4.500 ha sâm Ngọc Linh và khoảng hơn 10.000 ha cây dược liệu khác. Đến 2030, con số này tăng lên trên 10.000 ha sâm Ngọc Linh và tham vọng trở thành thủ phủ sâm Ngọc Linh và dược liệu lớn nhất Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *