Thấy động là di chuyển
Hội nghị về chống buôn lậu gia súc, gia cầm qua biên giới do Bộ NN-PTNT tổ chức vào chiều muộn 26.1. Không khí đã “nóng” lên ngay từ đầu khi Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu khiển trách ngay một đơn vị thuộc Bộ vì có thái độ quan tâm chưa đúng mức.
“Vai trò của ngành chăn nuôi trong cơ cấu nông nghiệp rất quan trọng. Chính phủ cũng như các doanh nghiệp, các hộ nông dân đã đầu tư cho ngành chăn nuôi rất lớn, thường xuyên là trụ cột quan trọng để duy trì đà tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Nhưng hiện nay tình hình buông lỏng nhập khẩu thịt đông lạnh, bỏ ngỏ để thịt sống nhập qua biên giới đe dọa đến ngành chăn nuôi nội địa là không thể chấp nhận được”, ông Tiến nhấn mạnh.
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, khẩn thiết kêu cứu: “Người chăn nuôi đã liên tục thua lỗ, bán cả nhà, cả đất, sắp tới còn phải bỏ cả nghề nữa vì không cạnh tranh nổi với thịt nhập khẩu và nhập lậu trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ giảm sút. Các địa phương không thể ngó lơ không biết, chỉ cần kiểm soát chặt những trại gần biên giới, theo dõi diễn biến tăng đàn, tăng lượng giết mổ bất thường là nắm được ngay”.
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh, thừa nhận thực tế đúng như báo chí và các hiệp hội phản ánh. Đúng là có những đường dây buôn lậu heo sống rất lớn. Khi chưa có “động” thì di chuyển theo biên giới tỉnh Bình Phước, nhưng bây giờ thì đã chuyển hướng sang Tây Ninh.
“Chúng tôi đã theo dõi và xác định vị trí tiêu thụ cuối là lò mổ ở Bình Dương, lô hàng này có 8.000 con heo được chuyển từ Thái Lan về đến cửa khẩu Tây Ninh sau đó đưa về Bình Dương giết mổ. Biết là vậy nhưng trong khâu xử lý thì lại rất khó. Cảnh sát kinh tế thì nói tôi không có chức năng hoạt động ở biên giới nên phải chờ vào đến nội địa. Mà vào rồi thì khi bắt phải chứng minh đó là heo từ biên giới về. Nếu không chứng minh được thì heo tiêu thụ nội địa cũng không có tội. Để chứng minh được thì quản lý thị trường bảo cần có công an giao thông chứ tôi không dừng xe được. Thú y thì bảo rằng lực lượng mỏng quá. Nói ra thì nhiều cơ quan lắm, nhưng để xác định cơ quan nào chính cơ quan nào phụ thì lại lủng củng”, ông Xuân nêu thực trạng.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT lập tức nói thẳng: “Đấy, rõ ràng thực tế là diễn ra rầm rộ, nhưng tại sao khi tôi hỏi nhiều tỉnh thành, hầu hết đều trả lời không có heo nhập lậu. Vậy thì heo lậu tràn vào từ đâu? Ông nào cũng nghĩ đó là việc chung không phải việc của mình. Thật ra những việc xảy ra trên địa bàn các cán bộ địa bàn đều biết hết, chỉ là làm ngơ đi thôi. Hỏi đến thì tỉnh nào cũng bảo bình thường. Ngành chăn nuôi đầu tư rất lớn, liên quan đến sinh kế của nhiều người dân và sức khỏe toàn xã hội. Nhiều dự án đầu tư hàng tỉ USD mà buông lỏng cho gia súc, gia cầm nhập lậu như thế này thì chẳng khác nào lại tự “lấy búa đập vào chân mình””.
Cần phải kiểm soát chặt
Số liệu của Cục Chăn nuôi cho thấy trong tháng 12.2023, giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 330 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi cả năm 2023 đạt 3,53 tỉ USD. Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa ước đạt 1,17 tỉ USD, giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 1,51 tỉ USD, chỉ giảm 0,6% so với năm 2022.
Trong đó, riêng thịt lợn đã nhập khẩu 114.000 tấn lợn xẻ, tương đương 3 – 5% lượng heo hơi tiêu thụ trong cả nước. Đặc biệt sản lượng phụ phế phẩm chăn nuôi nhập khẩu tăng cao trong năm 2023. Cụ thể, các loại phụ phẩm heo đạt 122.700 tấn, tăng 77%; phụ phẩm từ trâu tăng 60%; phụ phẩm bò tăng 20%. Còn đối với thịt gia cầm nhập khẩu chính ngạch trong năm 2023 có đến 245.600 tấn, trong đó thịt chất lượng cao chiếm tỷ lệ rất thấp, thịt gà nguyên con thải loại chiếm 15%, đùi gà chiếm 35%, chân gà chiếm 31%, cánh gà chiếm 7% còn lại là nội tạng và các phế phẩm khác.
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, nói: “Tình hình dịch bệnh trên gia súc gia cầm ở VN và trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp. Đặc biệt dịch cúm gia cầm vẫn đang xảy ra tại nhiều quốc gia trong đó có Campuchia; dịch tả heo châu Phi và lở mồm long móng vẫn đang xuất hiện ở nhiều địa phương trên cả nước. Trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực chống dịch thì con số thống kê nhập lậu 5.000 – 6.000 con heo/đêm thì chắc chắn có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh”.
Theo ông Nguyễn Văn Long, các tỉnh biên giới hầu như không có báo cáo gì về nguy cơ nhập lậu gia súc, gia cầm, mặc dù các diễn biến tăng giảm đàn hay các hoạt động vận chuyển trên địa bàn thì địa phương chắc chắn phải nắm được. “Đến nay truyền thông ở các địa phương đều không có thông tin hoặc không báo cáo về nguy cơ dịch bệnh, chỉ có báo chí T.Ư lên tiếng phản ánh. Như vậy chúng ta đừng nên mơ mộng sẽ ngăn chặn dứt điểm được tình trạng nhập lậu mà cần phải có các trường hợp xử lý nghiêm, xử lý hình sự, đem ra xét xử răn đe mới chấn chỉnh được”, ông Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đình Xuân kiến nghị: “Bên cạnh sự quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp chăn nuôi cũng cần có nguồn kinh phí để khuyến khích, hỗ trợ lực lượng địa phương thực thi nhiệm vụ, tương tự như mặt hàng thuốc lá, mía đường đang áp dụng. Như vậy sẽ tăng thêm nguồn lực cho lực lượng chức năng”.
Trước tình hình nhập khẩu và nhập lậu đe dọa ngành chăn nuôi trong nước, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Nếu tất cả các tỉnh thực hiện nghiêm túc thì chắc chắn sẽ giảm bớt tình trạng nhập lậu. Sau hội nghị này Bộ sẽ tiếp tục có báo cáo Thủ tướng tình hình buôn lậu diễn biến rất phức tạp, kiến nghị Thủ tướng có biện pháp kỷ luật những nơi buông lỏng để xảy ra buôn lậu. Về phía Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục có các cuộc họp tiếp theo với từng địa phương để có các giải pháp cụ thể kiểm soát chặt việc nhập lậu gia súc. Các địa phương cần xem đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, Bộ sẽ chỉ đạo liên tục để tạo được sự ổn định hướng đến phát triển bền vững”.