Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết, ô nhiễm rác thải nhựa nói chung và rác thải nhựa đại dương nói riêng đang là vấn đề của toàn cầu. Những đặc tính bền, khó phân hủy của các sản phẩm nhựa, ni lông đã và đang gây ô nhiễm môi trường, để lại những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và các loài động thực vật trên Trái đất. Đặc biệt, ô nhiễm RTN là vấn đề có tính liên vùng, xuyên biên giới, để giải quyết cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị – xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và từng người dân Việt Nam. Vì vậy, để tiếp nối các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2023, diễn đàn nhằm kêu gọi những hành động thiết thực, thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, bao gồm cả túi ni lông khó phân hủy, ngay hôm nay và ngay bây giờ.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn cam kết thực hiện chống RTN.

Tại Diễn đàn, đại diện Đoàn Thanh niên Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT)  Cao Hoàng Anh chia sẻ, theo số liệu thống kê từ Bộ TN&MT, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn RTN thải ra môi trường, trong đó 0,28 – 0,73 triệu tấn bị thải ra biển nhưng chỉ 27% trong số này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Điều đáng nói, việc xử lý và tái chế RTN còn nhiều hạn chế khi có đến 90% RTN được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế. Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ RTN, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng, riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn RTN và túi ni lông. Trong khi đó, việc phân loại, thu hồi, tái chế và xử lý RTN còn hạn chế. Lượng chất thải nhựa và túi ni lông ở Việt Nam chiếm khoảng 8 – 12% chất thải rắn sinh hoạt, nhưng chỉ có khoảng 11 – 12% trong số đó được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường, điều này có thể dẫn đến thảm họa môi trường, ô nhiễm đại dương.