Mặc dù chiến trường chính của cuộc xung đột Israel-Hamas lần này tập trung ở Dải Gaza, nhưng sau khi bùng phát, cuộc xung đột đã nhanh chóng lan rộng ra toàn khu vực Trung Đông. Thậm chí những nơi xa xôi như: Mỹ, Anh, Ukraine, Brazil, Nam Phi… cũng có thể cảm nhận được “dư chấn” mạnh mẽ của cuộc xung đột. Ngoài cuộc xung đột vũ trang khu vực đang không ngừng lan rộng và kéo dài, những xung đột tiềm ẩn do cuộc chiến ở Dải Gaza cũng đang tác động sâu sắc đến sự phát triển, vận động của tình hình địa chính trị và trật tự quốc tế.
Xung đột có xu hướng lan rộng ra nhiều nơi
Ngày 7/10/2023, sau khi Hamas bất ngờ tấn công Israel với chiến dịch “Cơn lũ Al-Aqsa”, quân đội Israel đã phát động chiến dịch quân sự “Những thanh kiếm sắt” nhằm vào các tổ chức vũ trang ở Dải Gaza. Sau đó, cuộc chiến ở Dải Gaza nhanh chóng diễn biến theo mô hình xung đột “trung tâm-ngoại vi”. Với chiến trường trung tâm là Dải Gaza, khu vực Trung Đông xuất hiện đồng thời 5 chiến tuyến, gồm: Bờ Tây, Liban, Iraq, Syria, Yemen-Biển Đỏ. Năm chiến tuyến này về bản chất là chiến tranh ngoại vi, nhằm phối hợp tác chiến với Hamas, phân tán sức mạnh và nguồn lực của Israel.
Ở hướng Bờ Tây, chủ yếu là xung đột đẫm máu giữa lực lượng quân đội, cảnh sát Israel, những kẻ cực đoan ở khu định cư Do Thái với các phe phái có vũ trang và người dân Palestine. Do quy mô và mức độ gay gắt của xung đột ở Dải Gaza, nên cuộc xung đột ở Bờ Tây ít được dư luận bên ngoài quan tâm. Trên thực tế, trong những năm gần đây, quy mô và tần suất xung đột Israel-Palestine ở Bờ Tây cũng đang không ngừng tăng lên. Cuộc chiến ở Dải Gaza lần này đã làm leo thang hơn nữa đối đầu ở Bờ Tây, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại tình hình ở khu vực này sẽ mất kiểm soát.
Trong khi đó, ở hướng Liban, chủ yếu là xung đột giữa Hezbollah-Israel. Cuộc xung đột giữa Liban và Israel ở chiến tuyến này chủ yếu tập trung tại khu vực biên giới thuộc miền Bắc Israel, nhưng thủ đô Beirut của Liban và các thành phố miền Nam của Israel thỉnh thoảng cũng trở thành mục tiêu tấn công. Do đó, cộng đồng quốc tế lo ngại sẽ nổ ra chiến tranh quy mô lớn giữa Israel với Hezbollah. Sau khi xung đột ở Dải Gaza bùng phát, để ngăn chặn Hezbollah tham chiến, Israel buộc phải triển khai quân đội hạng nặng ở phía Bắc, tránh để xảy ra cuộc chiến thứ 2, trong khi Mỹ cũng cử nhóm tác chiến tàu sân bay đến neo đậu ở phía Đông Địa Trung Hải.
Ở hướng Biển Đỏ-Yemen, chủ yếu là sự đối đầu quyết liệt giữa lực lượng vũ trang Houthi ở Yemen với Mỹ và Anh. Đặc điểm nổi bật của chiến tuyến này là Mỹ và Anh dưới danh nghĩa bảo vệ tự do hàng hải, thay thế Israel tiến hành các cuộc tấn công quân sự vào lực lượng Houthi. Khi xung đột ở Dải Gaza bùng phát, lực lượng vũ trang Houthi chủ yếu nhắm vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Israel bằng UAV và tên lửa đạn đạo, nhưng không đạt hiệu quả cao do khoảng cách xa. Từ giữa tháng 11/2023, lực lượng vũ trang Houthi chuyển hướng tấn công các tàu thuyền liên quan đến Israel lưu thông trên Biển Đỏ, gây ra khủng hoảng ở vùng biển này.
Để tránh bị tấn công, hàng trăm tàu thương mại buộc phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng của châu Phi để đến châu Âu và Địa Trung Hải. Bất ổn trên Biển Đỏ không chỉ gây ra khủng hoảng hàng hải và đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu, mà còn leo thang thành khủng hoảng an ninh ở vùng biển này. Lực lượng vũ trang Houthi tuyên bố chỉ khi Israel ngừng bắn mới chấm dứt tấn công.
Theo giới chuyên gia, trên thực tế cuộc xung đột ở Dải Gaza lần này lan rộng ra bên ngoài khu vực không giới hạn ở các chiến tuyến nêu trên. Ngoài xung đột vũ trang, còn lan sang phương diện địa chính trị và kinh tế.
Về chính trị, cuộc chiến ở Dải Gaza đã thúc đẩy chuyển đổi những mâu thuẫn chính trong khu vực Trung Đông, làm biến đổi nhanh chóng các mối quan hệ địa chính trị, khiến “trào lưu hòa giải” trong khu vực trong những năm gần đây bị chững lại.
Về kinh tế, cuộc chiến ở Dải Gaza đã gây thiệt hại nặng nề cho các nước Israel, Ai Cập, Jordan, Liban, Syria, Yemen…
Thay đổi trật tự thế giới
Tác động của cuộc xung đột ở Dải Gaza lần này còn lan rộng ra ngoài khu vực Trung Đông. Trước tiên, xung đột khiến uy tín của Israel trên toàn cầu bị tổn thất nghiêm trọng. Chiến dịch quân sự của Israel ở Dải Gaza đã gây ra thảm họa nhân đạo lớn.
Ngoài ra, cuộc xung đột lần này còn lan rộng sang châu Âu, trực tiếp tác động đến diễn biến của cuộc khủng hoảng Ukraine kéo dài từ tháng 2/2022 đến nay. Cuộc xung đột ở Dải Gaza lần này bất ngờ bùng phát không những đã chuyển bớt sự chú ý của Mỹ và các nước phương Tây đối với cuộc khủng hoảng Ukraine, mà còn suy giảm viện trợ về tài chính và vũ khí cho Ukraine.
Tuy nhiên, xung đột Israel-Hamas không chỉ là cốt lõi của một loạt vấn đề phức tạp ở khu vực Trung Đông, mà còn là vấn đề lớn đe dọa hòa bình và an ninh toàn cầu. Việc xung đột ở Dải Gaza lần này liên tục lan ra bên ngoài có tính logic của nó.
Về hình thức, cuộc xung đột ở Dải Gaza lần này liên tục lan rộng ra bên ngoài cũng có mối liên hệ chặt chẽ với những mâu thuẫn quốc tế và khu vực phức tạp hiện nay, trong đó Mỹ và Israel đóng vai trò trung tâm.
Trong ngắn hạn, nếu xung đột ở Dải Gaza không chấm dứt, sự lan rộng của cuộc xung đột này cũng sẽ không dừng lại, thậm chí còn tiếp tục mở rộng và kéo dài hơn. Nếu đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza, động thái tiếp theo của Israel là rất đáng để quan sát. Vấn đề đáng chú ý nhất là liệu Israel có mở chiến dịch nhằm vào Hezbollah và liệu có xảy ra đối đầu quân sự trực tiếp giữa Israel với Iran hay không.
Về lâu dài, sự liên kết và lan rộng của xung đột Israel-Palestine có thể được giải quyết triệt để hay không có liên hệ chặt chẽ với việc công lý quốc tế có được lên tiếng, trật tự quốc tế công bằng và hợp lý có thể được thiết lập hay không. Bởi vì về bản chất, vấn đề Palestine là vấn đề bảo vệ công lý quốc tế và tính hợp pháp của trật tự quốc tế.
Liên Hợp Quốc cho biết, tính đến ngày 13/5 số nạn nhân thiệt mạng tại Dải Gaza do xung đột giữa Israel-Hamas lên tới hơn 35.000 người, song trong số này nhiều thi thể nạn nhân chưa được nhận dạng.
Người phát ngôn của Liên Hợp Quốc Farhan Haq nêu rõ các số liệu của cơ quan y tế tại Dải Gaza mà Liên Hợp Quốc thường xuyên trích dẫn trong báo cáo về tình hình xung đột kéo dài 7 tháng qua cho thấy có 24.686 người thiệt mạng đã được xác định danh tính đầy đủ, bao gồm 7.797 trẻ em, 4.959 phụ nữ, 1.924 người cao tuổi và 10.006 nam giới. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 10.000 thi thể cần được xác định danh tính.
Trong khi đó, người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bà Margaret Harris cho rằng, số người thiệt mạng trong cuộc xung đột ở Dải Gaza trên thực tế có thể còn cao hơn con số 35.000.