Tháng 3/2024, Chủ tịch Li Shufu của hãng xe điện Geely đã khẳng định trên đài truyền hình trung ương CCTV rằng ô tô xăng là nền tảng để duy trì sự ổn định của thị trường trong quá trình chuyển tiếp lên xe điện và không có chuyện thay thế dễ dàng chỉ trong vài năm được.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Zhu Huarong của Tập đoàn ô tô Chongqing Changan Automobile thậm chí chỉ trích nhiều doanh nghiệp đổ tiền vào mảng xe điện dù bị thua lỗ để rồi cho ra đời những sản phẩm kém chất lượng.
“Thị trường ô tô ngày càng không có điểm mấu chốt về đạo đức… Ngành kinh doanh này quá tồi tệ. Một chiếc xe chỉ có giá trị vài chục nghìn đến vài trăm nghìn Nhân dân tệ lại bị thổi phồng giống như sản phẩm hàng triệu Nhân dân tệ”, Chủ tịch Zhu Huarong phát biểu ngày 16/1/2024.
Theo ông Zhu, nhiều sản phẩm xe điện hiện nay có tốc độ trung bình nhưng lại dùng hiệu ứng hình ảnh quảng cáo để đánh lừa cảm giác của người tiêu dùng. Thế rồi nhiều hãng chi tiền cho các KOL, bình luận viên, người nổi tiếng để quảng bá sản phẩm dù chưa thực sự sử dụng hay đứng trên phương diện lợi ích khách hàng.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cho rằng việc những tập đoàn điện thoại như Xiaomi, vốn chưa từng có kinh nghiệm làm ô tô nhảy vào lĩnh vực này sẽ không thể lường trước được sẽ có bao nhiêu rắc rối với người tiêu dùng khi sản phẩm gặp sự cố.
“Tôi không phản đối việc chuyển đổi năng lượng mới cho ô tô nhưng chúng không nên được thúc đẩy bởi những tập đoàn ngoài ngành, chẳng có gì ngoài tiền nhưng thiếu kiến thức chuyên môn”, một blogger về xe hơi tại Trung Quốc bức xúc.
Việc các hãng công nghệ như Xiaomi dù không cần làm động cơ đốt trong nhưng cũng chẳng làm nổi khung gầm, phanh hay hộp số lại cho ra mắt xe điện khiến nhiều chuyên gia trong ngành lo lắng. Nhiều hãng cam kết thay thế trọn đời nhưng phá sản nhanh chóng do thị trường xe điện quá khắc nghiệt, biến những lời hứa này thành trò cười.
Hầu hết các hãng xe điện đều quảng cáo với khách hàng về quãng đường đi được sau mỗi lần sạc, nhưng đó là trong thử nghiệm chứ không phải thực tế, dưới thời tiết mưa gió rét, khiến tài xế bật máy sưởi và tốn điện ắc quy hơn nhiều.
Thế rồi câu chuyện tốc độ sạc nhanh cũng gây nghi vấn vì việc thường xuyên sạc nhanh sẽ gây hỏng pin, vậy ý nghĩa của dịch vụ này là gì?
Số tiền tiết kiệm trên mỗi 100km cũng trở thành trò cười khi giá sạc điện tại nhà và trạm sạc thương mại là khác nhau, chưa kể đến chi phí sửa chữa hỏng hóc, bảo dưỡng tốn kém hơn nhiều.
Một chiếc xe điện sẽ mất giá rất nhanh do quá nhiều hãng liên tục cho ra các sản phẩm mới giống nhau, chưa kể hàng loạt các chương trình khuyến mãi và cuộc chiến dìm giá khác.
Đạo nhái
Tháng 4/2024, CEO Lei Jun của Xiaomi đã có những thay đổi trong dự đoán kinh doanh xe điện của tập đoàn điện thoại nổi tiếng này.
Từ dự đoán bi quan bi quan rằng xe điện của hãng có lẽ phải bán với mức giá lỗ để có thể cạnh tranh trong cuộc đua dìm giá của Tesla đến tuyên bố biên lợi nhuận gộp mảng xe điện của hãng sẽ đạt 5-10%, qua đó giúp công ty tiến gần đến điểm hòa vốn.
Thế nhưng, điều mà nhiều người không chú ý đến là quan điểm của CEO Lei Jun về ngành xe điện khi cho rằng sự sao chép và đạo nhái đang trở thành “bình thường mới” khi các hãng không có nhiều đột phá về công nghệ mà chỉ dựa vào marketing và giảm giá để giành thị phần.
“Nếu bạn đến gian hàng của mọi hãng ô tô, họ đều sản xuất rất nhiều dòng xe trong khi bạn chỉ cần vài chiếc xe chất lượng. Tại sao bạn lại cần phải xem nhiều chiếc xe tương tự nhau làm gì? Vì vậy tôi nghĩ rằng sự cạnh tranh trong ngành ô tô là đồng nhất. Đó là sự cạnh tranh của các sản phẩm tương tự”, CEO Lei Jun nói khi cho biết mình khá thất vọng khi tham quan hội chợ ngành xe điện tại Trung Quốc vào tháng 5/2024.
Trớ trêu thay, sản phẩm SU7 của Xiaomi thực tế là một “nồi lẩu thập cẩm” khi sao chép, vay mượn của nhiều bên chứ không có được bất kỳ công nghệ cốt lõi nào.
Thật vậy, hãng điện thoại Xiaomi đã cho ra mắt sản phẩm xe điện SU7 của mình với thiết kế ngoại hình cực giống với Porsche Taycan. Thậm chí cư dân mạng còn đặt biệt danh cho SU7 là “Mi Porsche/Mische”.
Đến giữa tháng 4/2024, Michael Kirsch, chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Porsche Trung Quốc, đã lần đầu tiên đề cập đến sự tương đồng này trong một cuộc phỏng vấn.
Ông cho rằng sự giống nhau giữa Xiaomi SU7 và xe Porsche là do “ý tưởng lớn gặp nhau”, những thiết kế tốt có xu hướng gây được tiếng vang trên toàn cầu.
Một cuộc khảo sát do công ty truyền thông về mảng năng lượng mới Garage No. 42 thực hiện cho thấy 81% trong số 100 chủ sở hữu đặt trước Xiaomi SU7 coi “thiết kế ngoại thất” là yếu tố hàng đầu khi mua xe.
Không chỉ ngoại hình, từ hình dáng chìa khóa đến cách thay pin của 2 sản phẩm này cũng khá giống nhau.
Câu chuyện đầy trớ trêu này khiến cộng đồng mạng Trung Quốc tranh cãi gay gắt. Nhiều người đặt nghi vấn về việc tại sao Porsche không kiện Xiaomi trong khi một số trả lời rằng thương hiệu Phương Tây chẳng muốn quảng cáo cho sản phẩm Trung Quốc, đồng thời họ hiểu rằng ngoại hình bên ngoài chẳng phải tất cả mà còn phải tính đến chất lượng bên trong.
Nhiều chuyên gia cho rằng ô tô điện của Xiaomi chẳng có nhiều cải tiến khi chỉ sao chép thiết kế từ Porsche, dùng ắc quy từ CATL. Ngay cả chip điện tử lõi, bộ não của xe điện cũng được Xiaomi mua từ Qualcomm trong khi chip hỗ trợ lái xe tự động là từ Nvidia.
Nói chính xác hơn, Xiaomi chỉ đóng vai trò quản lý sản phẩm chứ không thực sự nắm giữ công nghệ sản xuất một chiếc xe điện thực thụ hay thậm chí có ưu thế kỹ thuật cốt lõi gì vượt trội.
Học đòi làm ô tô
Với giá khởi điểm 29.900 USD, rẻ hơn gấp 3 lần so với một chiếc Porsche Taycan, việc SU7 nhanh chóng được nhiều người dân Trung Quốc lựa chọn chẳng có gì lạ với ngoại hình giống nhau.
Tuy nhiên chất lượng của các xe điện Trung Quốc cũng là một nghi vấn khi chúng có giá quá rẻ, kể cả khi đã loại bỏ nhiều bộ phận của động cơ đốt trong.
Lấy ví dụ hãng xe điện Suda của Trung Quốc đã từng ra mắt dòng SA01 tại Đức vào năm 2021 với giá chỉ hơn 10.000 Euro, thuộc hàng rẻ nhất thị trường.
Cuộc thử nghiệm của tổ chức ADAC cho thấy chất lượng của loại xe điện này cực kỳ tệ hại khi không có hệ thống an toàn thụ động, không có túi khí (người dùng có thể lựa chọn nhưng với giá cao hơn), không có chương trình ổn định điện tử (ESP), không có hệ thống phanh khẩn cấp hay hệ thống cảnh báo chệch làn đường và thậm chí không có bộ căng dây an toàn.
Lỗ hổng về giấy phép xe cỡ nhỏ bán dưới 1.000 chiếc ở Châu Âu đã cho phép SA01 được lưu hành và đẩy toàn bộ trách nhiệm an toàn về phía khách hàng, qua đó tiết kiệm các chi phí thử nghiệm, đăng kiểm hay hành chính tốn kém.
Sự tiết kiệm này khiến thử nghiệm cho một va chạm trực diện ở vận tốc 64km/giờ khiến tài xế chịu thương tích cực kỳ nghiêm trọng. Sản phẩm cũng không có bất kỳ thiết bị bảo vệ nào để nhân viên cứu hộ có thể dập tắt hệ thống điện trong xe, khiến họ có nguy cơ bị điện giật. Hệ thống cửa khó mở hơn khiến cứu trợ lâu hơn.
Bài kiểm tra về phanh và né vật cản cũng cho thấy SA01 hoàn toàn mất kiểm soát nếu chạy trên 70km/giờ do thiếu ESP, con số này là 90km/giờ ở những chiếc ô tô thông thường. Chiếc xe này cũng trượt đến 42m từ tốc độ 100km/giờ khi đạp phanh.
Bên cạnh đó, chi phí sửa chữa bảo hành xe điện cũng chẳng hề rẻ.
Tốn kém
Theo Wall Street Journal (WSJ), những chiếc xe điện sẽ tốn nhiều hơn hàng nghìn USD chi phí sửa chữa so với ô tô xăng vì chúng yêu cầu nhiều bộ phận buộc phải thay thế hơn. Cấu trúc phức tạp và dễ hỏng của những chiếc xe điện khiến chúng dễ phải thay mới nếu hỏng hóc hơn so với dòng ô tô xăng có thể sửa chữa. Thêm vào đó, lượng nhân viên có đủ trình độ, kỹ năng để sửa xe điện cũng không nhiều.
Mặc dù vấn đề sửa chữa của xe điện có thể được cải thiện dần theo thời gian, nhất là với những hãng lớn có chuỗi cung ứng mạnh, thế nhưng điều này lại chẳng mấy vui vẻ gì cho các khách hàng lần đầu mua ô tô điện.
Báo cáo của CCC Intelligent Solutions, hãng chuyên xử lý yêu cầu bảo hiểm ô tô ở Mỹ cho thấy bình quân chi phí sửa chữa xe điện vào khoảng 6.587 USD/chiếc, cao hơn nhiều so với 4.215 USD/chiếc.
Theo Consumer Report, những chiếc xe điện ít cần bảo trì hơn so với ô tô xăng. Việc không cần phải thường xuyên thay dầu, điều chỉnh động cơ, thay dây đai truyền động… khiến chi phí bảo dưỡng của xe điện chỉ bằng một nửa so với ô tô xăng, qua đó giảm chi phí dài hạn như lời quảng cáo của các hãng bán xe.
Tuy nhiên những nhà bán xe lại không nhắc đến những vấn đề mà xe điện sẽ gặp phải.
Đầu tiên, việc giảm nhu cầu xe xăng sẽ dần khiến giá xăng dầu đi xuống, qua đó làm xói mòn ưu thế chi phí nhiên liệu.
Tiếp đó, dù không tốn nhiều tiền bảo trì nhưng xe điện sẽ rất tốn kém nếu cần sửa chữa.
Hãng cho thuê xe nổi tiếng Hertz Global, nơi có cả những đội xe điện của Tesla, cho biết lợi nhuận kinh doanh quý III/2023 của họ chịu ảnh hưởng rất lớn vì chi phí sửa chữa các dòng ô tô điện cho thuê.
Trang bảo hiểm Insurify thì cho hay việc tốn nhiều chi phí sửa chữa hơn khiến phí bảo hiểm cho xe điện cũng tăng cao hơn so với thông thường. Bình quân chủ sở hữu xe điện sẽ phải thanh toán 357 USD/tháng cho bảo hiểm, cao hơn 248 USD/tháng so với ô tô xăng.
“Mọi người lầm tưởng rằng xe điện có ít linh kiện hơn ô tô xăng nên sẽ tốn ít chi phí hơn, thế nhưng đó lại không phải ưu thế thực sự khi có tai nạn hay va chạm”, giám đốc chiến lược Marc Fredman của CCC Intelligent Solutions cảnh báo.
Cũng theo CCC Intelligent, bình quân một chiếc xe điện khi sửa chữa sẽ cần thay thế linh kiện nhiều gấp đôi so với ô tô xăng. Giám đốc Fred cho biết nhiều bộ phận của xe điện bị hàn trong xe thường đồng nghĩa là toàn bộ linh kiện đó không thể sửa chữa và buộc phải thay mới.
Khi có tai nạn, việc tháo rời các bộ phận xe điện phức tạp hơn và việc sửa chữa cũng cần nhiều bước cùng các biện pháp phòng ngừa hơn so với ô tô xăng. Rõ ràng, một chiếc xe có điện gặp tai nạn sẽ nguy hiểm cho các thợ sửa chữa hơn so với một ô tô chạy xăng.
Chủ tịch Scott Benavidez của Hiệp hội sửa chữa ô tô tại New Mexico-Mỹ cho hay những chiếc xe điện chứa ắc quy Lithium-ion đặc biệt nguy hiểm khi có nguy cơ cháy nổ cao hơn nhiều lúc bị hư hỏng so với ô tô xăng, vốn đã được thiết kế bình đựng xăng phòng chống va chạm.
Bên cạnh đó, do xe điện sử dụng nhiều vật liệu lạ ngoài thép truyền thống nên việc tháo dỡ các bộ phận cũng tốn công sức hơn nhiều. Một số vật liệu như khung nhôm cần các công cụ chuyên dụng, trong khi số cửa hàng cung ứng đồ thay thế lại hữu hạn.
“Rất nhiều xưởng sửa chữa sẽ tính phí nhiều hơn cho xe điện khi đối mặt với rủi ro cao hơn, qua đó buộc phải trang bị thêm các dụng cụ phòng hộ và những thiết bị chuyên biệt trong quá trình thực hiện”, Chủ tịch Benavidez thừa nhận.
Một yếu tố nữa khiến việc sửa chữa xe điện đắt đỏ là chẳng có nhiều cửa hàng đủ khả năng hay thậm chí là chấp nhận thương vụ này do nguy cơ cháy nổ quá lớn. Kể cả có nhận lời thì các nhân viên sẽ phải thận trọng hơn khi tháo dỡ, qua đó tốn thời gian hơn khiến các xưởng thà nhận làm các dòng xe xăng hơn là ô tô điện.
Số liệu của CC Intelligent cho thấy bình quân mỗi chiếc xe điện sẽ phải tốn thời gian lâu hơn 25% so với ô tô thường để có thể kéo về xưởng do cần các biện pháp phòng hộ cháy nổ.
Rõ ràng, kinh doanh xe điện tại Trung Quốc đang quá phức tạp với những góc tối mà không nhiều người tiêu dùng biết đến.
*Nguồn: Tổng hợp