Venezuela từng có 6 sông băng rộng 1.000km2 vào năm 1910, nhưng chúng nhanh chóng trở thành những vùng băng nhỏ không đủ tiêu chuẩn xếp loại sông băng.
Sự biến mất của sông băng cuối cùng, Humboldt, đưa Venezuela về nhất trong cuộc đua trở thành quốc gia đầu tiên trong thời hiện đại chứng kiến toàn bộ sông băng tan chảy, IFL Science hôm 8/5 đưa tin. Năm 1910, quốc gia Nam Mỹ này có 6 sông băng trải rộng trên tổng diện tích 1.000 km2. Tuy nhiên chúng đã suy giảm thành những vùng băng nhỏ không đủ tiêu chuẩn để được phân loại là sông băng.
Sông băng Humboldt hiện nhỏ đến mức được phân loại là cánh đồng băng. (Ảnh: Jorge ferrer).
5 sông băng của Venezuela đã biến mất vào năm 2011, chỉ còn sông băng Humboldt, hay La Corona, tồn tại trong công viên quốc gia Sierra Nevada. Tuy nhiên, Humboldt hiện cũng thu hẹp đến mức được phân loại lại thành cánh đồng băng.
“Venezuela không còn sông băng nữa. Những gì chúng tôi có chỉ là một mảng băng bằng 0,4% kích thước ban đầu”, giáo sư Julio Cesar Centeno tại Đại học Andes (ULA) nói.
Thời hoàng kim, La Corona có diện tích 4,5km2, nhưng hiện nó trải rộng chưa đến 0,02km2, hay 2 ha. Thông thường, một mảng băng phải có diện tích ít nhất 0,1 km2 mới được coi là sông băng.
Nghiên cứu được thực hiện trong nửa thập kỷ qua chỉ ra, độ bao phủ sông băng ở Venezuela giảm 98% từ năm 1953 đến năm 2019. Tốc độ mất băng tăng nhanh sau năm 1998, đạt mức đỉnh điểm khoảng 17% mỗi năm kể từ năm 2016 trở đi.
La Corona có diện tích khoảng 0,6km2 vào năm 1998, nhưng đã thu hẹp đến mức có nguy cơ mất danh hiệu sông băng từ năm 2015. “Chuyến thám hiểm gần đây nhất của chúng tôi đến khu vực này diễn ra vào tháng 12/2023 và chúng tôi thấy rằng sông băng đã mất khoảng 2 ha so với chuyến ghé thăm trước đó vào năm 2019, giảm từ 4 ha xuống còn chưa đến 2 ha như hiện nay”, nhà nghiên cứu Luis Daniel Llambi tại ULA cho biết.
Cũng trong tháng 12 năm ngoái, chính phủ Venezuela tiến hành phủ vải địa kỹ thuật lên sông băng Humboldt với hy vọng cách nhiệt và bảo vệ nó. Kế hoạch này không chỉ thất bại mà còn khiến các nhà bảo tồn phẫn nộ vì cho rằng có thể dẫn đến ô nhiễm hệ sinh thái khi vải phân rã thành vi nhựa qua thời gian. “Những hạt vi nhựa này gần như vô hình, chúng xâm nhập đất, từ đó đi vào cây trồng, đầm phá, không khí. Cuối cùng, con người sẽ ăn và hít thở chúng“, Centeno nhận định.