Từng đợt nắng nóng khắc nhiệt trên thế giới cho thấy mùa hè 2024 có thể trở thành mùa hè nóng nhất trong 2.000 năm.
Hết tuần này, gần hai triệu tín đồ Hồi giáo sẽ kết thúc lễ hành hương Hajj tại Đại thánh đường Hồi giáo. Tuy nhiên, theo The Guardian, đã có hơn 1.000 người thiệt mạng khi mức nhiệt lên tới gần 52 độ C ở Mecca.
Hơn 1.000 người hành hương Hajj thiệt mạng khi mức nhiệt lên tới gần 52 độ C ở Mecca. (Ảnh: news.abs-cbn.com).
Từ Bồ Đào Nha đến Hy Lạp và dọc theo bờ biển phía Bắc châu Phi, hàng loạt vụ cháy rừng cũng xảy ra do nhiệt độ cao “khủng khiếp”, theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương của Mỹ.
Để đối phó với nhiệt độ khắc nghiệt, nhiều quốc gia trên thế giới đã vào cuộc với các dịch vụ và chính sách khẩn cấp. Tuy nhiên, theo Straits Times, mọi giải pháp chỉ là tạm thời nếu nhân loại không có nhiều thay đổi đột phá.
Hè năm nay, hàng loạt du khách ở châu Âu đã thiệt mạng và mất tích vì nắng nóng nguy hiểm. Ngày 17/6, Hy Lạp đã ghi nhận cái chết của một du khách người Mỹ trên đảo Mathraki. Đây là du khách thứ ba thiệt mạng trong mùa du lịch hè ở “xứ sở thần thoại”.
Trong khi đó, miền Đông nước Mỹ đang héo rũ sau bốn ngày liên tiếp bị vòm nhiệt thiêu đốt. Vòm nhiệt là hiện tượng thời tiết làm không khí nóng lên trong một khu vực cụ thể đồng thời ngăn không khí lạnh xâm nhập, khiến mặt đất nóng lên nhanh chóng.
Không chỉ nhiệt độ buổi sáng, nhiệt độ ban đêm trên khắp thế giới còn nóng lên với tốc độ nhanh cao. Tại New Delhi (thủ đô của Ấn Độ), cơ quan quan sát nhiệt độ địa phương đã ghi nhận kỷ lục đêm nóng nhất trong 55 năm với nhiệt độ 35,2 độ C lúc 1h.
Sự phát triển đô thị thiếu cân bằng khiến cho nhiều vùng của Ấn Độ trở thành “bẫy nhiệt”. (Ảnh: Bloomberg).
New Delhi đã trải qua tổng cộng 38 ngày liên tiếp với nhiệt độ cao nhất trong ngày cao hơn hoặc bằng 40 độ C, tính từ ngày 14/5.
Một quan chức của Bộ Y tế Ấn Độ cho biết có hơn 40.000 ca say nắng và 110 người tử vong trong mùa hè năm nay. Tuy nhiên, theo ông, rất khó để thống kê chính xác số người chết vì nhiệt độ khắc nghiệt. Bởi lẽ, nhiệt độ cao thường chỉ là nguyên nhân gián tiếp gây tử vong vì khả năng làm các căn bệnh mãn tính trở nặng chứ không phải nguyên nhân trực tiếp. Điều này làm hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn, ca tử vong vì biến đổi khí hậu không được ghi nhận.
Đối phó với tình trạng này, nhiều quốc gia đã ban hành các chính sách và cảnh báo cho người dân. New York đã mở khẩn cấp các không gian công cộng có máy lạnh để hỗ trợ người dân tránh nóng. Trong khi đó, các trường học của thành phố phải đóng cửa sớm hơn thường lệ để học sinh về nhà khi trời còn mát.
Tại Serbia, các cơ quan y tế khuyến cáo người dân “không nên mạo hiểm bước ra đường” sau khi các chuyên gia khí tượng dự báo nhiệt độ sẽ tăng lên 40 độ C trong tuần này. Một trung tâm cấp cứu ở đây cho biết các bác sĩ đã phải can thiệp 109 lần trong một đêm để hỗ trợ những người mắc bệnh tim, bệnh mạn tính bị nhiệt độ cao ảnh hưởng.
Một số khu vực tại nước Mỹ sẽ trải qua sóng nhiệt với chỉ số nóng bức cao. (Ảnh: Bloomberg).
Theo Cơ quan Giám sát Khí hậu của Liên minh Châu Âu, các đợt nắng nóng trong 12 tháng gần đây đều phá kỷ lục nhiệt độ so với cùng kỳ năm trước. Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết có 86% khả năng có một năm nóng hơn 2023 xuất hiện trong vòng 5 năm tới. Tương tự, mùa hè năm nay cũng có nhiều dấu hiệu cho thấy nó có thể vượt qua hè 2023 và trở thành mùa hè nóng nhất trong 2.000 năm lịch sử.
Tính đến nay, nhiệt độ toàn cầu đã tăng gần 1,3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Biến đổi khí hậu đang tạo ra nhiều kỷ lục nhiệt độ khắc nghiệt nhất mọi thời đại. Do đó, các đợt nắng nóng cũng phổ biến, dữ dội và kéo dài hơn trước đây.
Theo một nhóm các nhà khoa học của World Weather Attribution (WWA), các đợt nắng nóng đang xảy ra nhiều gấp 2,8 lần so với thời kỳ tiền công nghiệp và nhiệt độ sẽ ấm hơn 1,2 độ C trong những năm tiếp theo.
Theo WWA, các giải pháp của nhiều chính phủ trên thế giới trong mùa hè năm nay chỉ là “tạm thời”. Những đợt nắng nóng khắc nghiệt sẽ còn tiếp diễn nếu thế giới tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch. Dự báo, các đợt nắng nóng sẽ xảy ra 5,6 lần/10 năm nếu nhiệt độ toàn cầu nóng thêm 2 độ C.