Lý do siêu bão Yagi liên tục tăng cấp

Ít nhất 13 người đã thiệt mạng ở Philippines do lũ lụt và lở đất do báo Yagi.

Giới khoa học nhận thấy sự nóng lên của đại dương do biến đổi khí hậu đang góp phần khiến những cơn bão mạnh lên nhanh hơn, hình thành siêu bão với sức tàn phá lớn như Yagi.

Siêu bão Yagi hiện được ghi nhận là cơn bão nhiệt đới mạnh thứ 2 thế giới trong năm 2024, chỉ xếp sau cơn bão cấp 5 Beryl ở Đại Tây Dương.

Các chuyên gia khí tượng nhận định đây cũng là cơn bão có nhiều “cột mốc”. Yagi có tốc độ tăng cấp độ nhanh chưa từng có trong lịch sử khí tượng Việt Nam, chỉ trong 48 tiếng đã đạt cấp siêu bão.

Đây cũng là lần thứ 3 trong lịch sử, cấp độ rủi ro thiên tai cấp độ 4 (màu đỏ) được ban hành và cũng lần đầu tiên trong lịch sử, cấp độ 4 được sử dụng ở Vịnh Bắc Bộ.

Giới khoa học cho biết những cơn bão đang trở nên mạnh hơn, một phần do đại dương ấm hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu, theo Reuters.

Hôm 5/9, các chuyên gia chỉ ra bão Yagi có sức gió lên tới 240 km/h, tương đương với bão cấp 4 ở Đại Tây Dương và chỉ còn 11 km/h nữa là gần đạt tới mức bão cấp 5, CNN đưa tin.

Tuy nhiên, chỉ một ngày trước đó, Yagi còn là cơn bão nhiệt đới với sức gió tối đa 90 km/h.

Bão Yagi, ban đầu hình thành từ áp thấp nhiệt đới ngoài khơi ở Philippines, sau đó đạt đỉnh với sức gió duy trì tối đa lên tới 150 mph (khoảng 240 km/h, tương đương bão cấp 4), theo Wired.

Ít nhất 13 người đã thiệt mạng ở Philippines do lũ lụt và lở đất do báo Yagi.
Ít nhất 13 người đã thiệt mạng ở Philippines do lũ lụt và lở đất do báo Yagi.

Siêu bão Yagi đổ bộ vào đảo Hải Nam của Trung Quốc gây mưa lớn và gió mạnh trên nhiều khu vực ở bờ biển phía nam nước này

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin hơn 410.000 người ở Hải Nam và 670.000 người ở tỉnh Quảng Đông đã phải sơ tán vì cơn bão.

Trên khắp Hải Nam, các trường học, doanh nghiệp, nhà hàng và bãi biển đã đóng cửa, trong khi giao thông công cộng, bao gồm tàu hỏa và máy bay, đều bị đình chỉ.

Một số thành phố ở các tỉnh lân cận là Quảng Đông và Quảng Tây đã áp dụng biện pháp tương tự.

Trên mạng xã hội Trung Quốc, người dân Hải Nam chia sẻ video ghi lại cảnh cơn bão dữ dội tràn qua hòn đảo vào tối 5/9, kèm theo tia sét lóe sáng trên bầu trời đêm.

Sấm sét trên đảo Hải Nam tối ngày 5/9.

Video do phương tiện truyền thông địa phương công bố cho thấy sóng lớn đập vào bờ. Sóng cao tới 7 m dự kiến xuất hiện gần bờ biển Hải Nam và Quảng Đông từ chiều 6/9, theo cơ quan dự báo hàng hải Trung Quốc

“Yagi có khả năng là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào bờ biển phía nam Trung Quốc kể từ năm 2014, khiến công tác phòng chống lũ lụt trở nên rất khó khăn”, Tân Hoa Xã trích dẫn nội dung cuộc họp do các quan chức phòng chống thiên tai Trung Quốc tổ chức.

Cơn bão dự kiến ​duy trì sức mạnh khi đổ bộ lần nữa vào miền Bắc Việt Nam.

Theo Wired, trên thực tế, siêu bão Yagi không phải là điều quá hiếm gặp như mọi người nghĩ. Khu vực phía Tây Thái Bình Dương là vùng biển có điều kiện lý tưởng để “nuôi dưỡng” một số cơn bão mạnh nhất trên Trái Đất.

Các cơn bão nhiệt đới vốn là hệ thống áp thấp phát triển qua quy trình đặc biệt. Chúng mạnh lên khi đi qua vùng nước biển ấm.

Những cơn bão này có thể kéo dài nhiều ngày hoặc thậm chí nhiều tuần, miễn là vẫn có nguồn nước biển ấm và các điều kiện thuận lợi trong khí quyển.

Siêu bão thường xuyên xảy ra ở Tây Thái Bình Dương. Từ năm 1945 đến 2022, hàng trăm siêu bão đã được ghi nhận trong khu vực này.

Hơn 200 trong số đó đã đạt tới sức mạnh tương đương với bão cấp 5. Trong năm 2021, có bốn siêu bão cấp 5 ở Tây Thái Bình Dương, một trong số đó là siêu bão Rai, cướp đi sinh mạng của hơn 400 người khi đổ bộ vào phía bắc Philippines sau khi đạt đỉnh.

So với Đại Tây Dương, tần suất xuất hiện các cơn bão mạnh cấp 5 ở Tây Thái Bình Dương nhiều hơn rất nhiều. Trong cùng khoảng thời gian, Đại Tây Dương chỉ có 30 cơn bão đạt cấp 5 tại thời điểm nhất định. Các cơn bão này cũng thường duy trì sức mạnh đạt đỉnh trong thời gian ngắn hơn.

Điều gì làm cho phía Tây Thái Bình Dương trở thành môi trường lý tưởng cho những cơn bão mạnh?

Như đã đề cập, nhiệt độ nước biển ấm được coi là chất xúc tác làm tăng sức mạnh cho bão. Điều này càng đáng lo ngại khi Đông Nam Á, cùng nhiều khu vực khác trên thế giới, chứng kiến nhiệt độ bề mặt nước biển tăng cao trong 12 tháng qua.

Theo Wired, nhiệt độ nước biển từ 29 độ C trở lên có thể cung cấp đủ năng lượng để cơn bão đạt đến sức mạnh tối đa. Hiện tại, nhiệt độ nước biển quanh Philippines trung bình trên 31 độ C.

Điều kiện khác như độ ẩm dồi dào trong khí quyển cũng quan trọng để cơn bão phát triển. Một cơn bão nhiệt đới mới hình thành cũng cần gió lặng trong khí quyển xung quanh.

Đối với Đại Tây Dương, những điều kiện này khó xuất hiện thường xuyên. Luồng không khí khô từ sa mạc Sahara làm tắt nhiều cơn bão đang phát triển. Các đợt không khí lạnh từ Mỹ có thể tạo ra điều kiện không thuận lợi trong khí quyển của Đại Tây Dương để phát triển bão nhiệt đới.

Nhưng tình hình khác hẳn ở phía Tây Thái Bình Dương, nơi điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm quanh năm ở Đông Nam Á.

Nó cho phép hàng chục cơn bão hình thành mỗi mùa. Số lượng lớn cơn bão làm tăng khả năng một trong số chúng có thể đạt đỉnh và phát triển thành siêu bão, gây thiệt hại nghiêm trọng khi đổ bộ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *