Đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/5/2024, giá vàng SJC trong nước giảm mạnh so với thời điểm mở cửa phiên giao dịch.
Công ty TNHH MTV Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn – SJC niêm yết giá vàng SJC ở mức 87,8 – 89,8 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra. So với thời điểm rạng sáng cùng ngày, giá vàng SJC tại đơn vị này được điều chỉnh giảm 1,1 triệu đồng/lượng chiều mua và giảm nhẹ 100.000 đồng ở chiều bán
Cuối giờ chiều nay, Bảo Tín Minh Châu cũng niêm yết giá vàng SJC ở mức 87,85 – 89,5 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra. So với rạng sáng cùng ngày, giá vàng SJC tại đơn vị này được điều chỉnh giảm 1,1 triệu đồng/lượng chiều mua vào và giảm 1 triệu đồng/lượng chiều bán ra.
Đối với vàng nhẫn, cuối giờ chiều nay 23/5, giá vàng nhẫn 9999 tại Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở ngưỡng 75,52-77,02 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra. So với chốt phiên giao dịch hôm qua, giá vàng nhẫn được đơn vị này giảm 600.000 đồng/lượng cả hai chiều mua vào và bán ra.
Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết giá nhẫn tròn trơn 9999 ở ngưỡng 75,15-76,8 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra, giảm 550.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 700.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên giao dịch hôm qua.
Tại thị trường trong nước, sáng 23/5, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng lần thứ 9. Trong phiên đấu thầu sáng nay, 11 ngân hàng và doanh nghiệp đã mua 13.400 lượng/16.800 lượng vàng miếng SJC, chiếm gần 80% quy mô chào thầu, với mức giá 88,72 – 88,73 triệu đồng mỗi lượng.
Theo các chuyên gia kinh tế, đây là phiên đấu thầu thành công nhất của Ngân hàng Nhà nước trong một tháng qua, khi bán gần hết lượng vàng chào thầu. Qua 9 lần gọi thầu, trong đó có 6 phiên tổ chức thành công, Ngân hàng Nhà nước đã tung ra thị trường 48.400 lượng vàng miếng SJC.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc đấu thầu vàng miếng là nhằm can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Để ổn định thị trường vàng trong nước, bên cạnh việc tăng nguồn cung cho thị trường thông qua các phiên đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan này đã chủ động có văn bản gửi các Bộ: Công an, Công thương, Tài chính để triển khai thực hiện công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát,… theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách găm hàng đẩy giá của các tổ chức, cá nhân liên quan gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng.
Đánh giá về tính hiệu quả từ các phiên đấu thầu vàng miếng SJC, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, giá vàng SJC trong nước sẽ hạ nhiệt sau khi cơ quan quản lý tăng nguồn cung vàng miếng. Dù vậy, đà giảm của vàng SJC sẽ có độ trễ nhất định do giá vàng thế giới gần đây tăng mạnh và duy trì ở mức cao.
Trên thị trường thế giới, giá vàng giảm nhẹ trong bối cảnh chỉ số USD tăng lên. Ghi nhận lúc 17h30 ngày 23.5, chỉ số US Dollar Index đo lường biến động của đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt ở ngưỡng 104,670 điểm (giảm 0,16%). Như vậy, giá vàng giảm phiên thứ ba liên tiếp xuống 2.378 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.382,1 USD/ounce, giảm 43,7 USD so với rạng sáng qua sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) công bố biên bản cuộc họp gần đây nhất, cho thấy một số quan chức ủng hộ việc tăng lãi suất.
Dự báo về xu hướng giá vàng, theo các chuyên gia kinh tế trên thế giới, mặc dù giảm nhưng vàng vẫn được hỗ trợ khá mạnh ở ngưỡng 2.400 USD/ounce. Mặt hàng kim loại quý vẫn được mua vào mạnh mẽ mỗi đợt điều chỉnh giảm nhanh.
Trong bối cảnh giá vàng trong nước còn nhiều biến động, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo nhà đầu tư và người dân trong nước cẩn trọng trong việc giao dịch mua bán vàng. Thường xuyên theo dõi thông tin thị trường vàng trên các kênh thông tin chính thống để có những dự đoán, kế hoạch đầu tư phù hợp, tránh thua lỗ.