Miệng hố Batagay rộng 990 m ở vùng Viễn Đông đang mở rộng liên tục với thể tích đất đóng băng tan chảy mỗi năm lên đến một triệu m3.
Miệng hố Batagay nhìn từ trên cao. (Ảnh: Alexander Kizyakov).
“Cổng địa ngục”, miệng hố khổng lồ ở Siberia, mở rộng một triệu m3 mỗi năm khi lớp đất đóng băng vĩnh cửu tan chảy, theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Geomorphology, Live Science hôm 6/5 đưa tin. Miệng hố mang tên Batagay (hay còn gọi là Batagaika) bao gồm vách đá hình tròn lần đầu tiên được phát hiện qua ảnh vệ tinh vào năm 1991 sau khi một phần sườn đồi sụp đổ ở vùng Yana Uplands phía bắc Yakutia, Nga. Lớp đất đóng băng vĩnh cửu lộ ra nằm trong phần sót lại của sườn đồi đã đông cứng suốt 650.000 năm. Đây là lớp đất đóng băng vĩnh cửu lâu đời nhất ở Siberia và thứ hai trên thế giới.
Nghiên cứu mới cho thấy mặt vách đá của miệng hố Batagay đang thu hẹp dần ở tốc độ 12m/năm do đất đóng băng rã đông. Phần sụp xuống của sườn đồi thấp hơn 55m so với mặt vách đá cũng đang tan chảy nhanh chóng và lún dần.
Những vùng rã đông nhanh đang lan rộng và tăng lên ở Bắc Cực cũng như địa hình nhiều băng gần Bắc Cực, nhóm nghiên cứu đứng đầu là nhà khoa học Alexander I. Kizyakov ở Đại học Lomonosov Moscow, cho biết. Tuy nhiên, lượng băng và trầm tích mất đi từ miệng hố Batagay đặc biệt cao do kích thước đồ sộ của vùng trũng trải rộng 990 m vào năm 2023.
Miệng hố rộng 790m vào năm 2014, sau đó tăng thêm 200 m nữa trong chưa đầy 10 năm. Các nhà nghiên cứu biết nó đang mở rộng, nhưng đây là lần đầu tiên họ tính toán thể tích đất đóng băng tan chảy ở miệng hố. Họ làm vậy thông qua kiểm tra ảnh vệ tinh, đo đạc thực địa, sử dụng dữ liệu kiểm tra trong phòng thí nghiệm với mẫu vật từ Batagay.
Kết quả chỉ ra lượng băng và trầm tích tương đương hơn 14 Đại kim tự tháp Giza tan chảy ở miệng hồ từ khi nó sụp xuống. Tốc độ tan chảy tương đối ổn định trong thập kỷ qua, chủ yếu xảy ra dọc mặt vách đá ở rìa phía tây, phía nam và đông nam của miệng hố.