Chọc nhầm “tổ kiến lửa” về AI, Elon Musk bị khóa cứng họng khi đấu võ mồm trên mạng

TIN MỚI

Các cuộc khẩu chiến trên internet đang là một trong các hoạt động ưa thích của tỷ phú Elon Musk, nhưng hiếm khi nào ông lại bị “khóa họng” ê chề như lần này, khi chọc ngoáy vào một trong những người xây dựng nền tảng cho công nghệ AI hiện nay: tiến sĩ Yann LeCun.

Khởi đầu câu chuyện đến từ bài đăng trên nền tảng X của ông Musk kêu gọi các tài năng trí tuệ nhân tạo gia nhập vào công ty xAI của ông – vừa huy động được 6 tỷ USD cho vòng gọi vốn mới đây – được ông Musk ca ngợi nơi “theo đuổi tột cùng tối cao của sự thật, bất kể mức độ nổi tiếng hay chính trị.”

Chọc nhầm

Liền sau đó, ông Yann LeCun đã vào móc mỉa bài đăng của ông Musk: “Cứ tham gia xAI đi, nếu bạn có thể chịu đựng được một ông chủ:

– Người nói rằng, những gì bạn đang nghiên cứu sẽ được giải quyết vào năm tới (không áp lực chút nào đâu).

– Người nói rằng những gì bạn đang nghiên cứu sẽ tiêu diệt tất cả mọi người và phải bị dừng lại (tuyệt, được nghỉ phép 6 tháng).

– Người tuyên bố rằng muốn “theo đuổi tột cùng tối cao của sự thật” nhưng lại phát tán các thuyết âm mưu điên rồ trên nền tảng mạng xã hội của chính mình.”

Chọc nhầm

Có người khiêu chiến thì chắc chắn ông Musk sẽ không bao giờ rút lui, bắt đầu rình rập cơ hội đáp trả. Khi ông LeCun nói rằng, mình chỉ là một nhà khoa học, không phải là nhà kinh doanh hay thiết kế sản phẩm, ông Musk vào bỉ bôi cho rằng, ông LeCun chỉ là người “làm theo mệnh lệnh.”

Khi bị ông LeCun chê bai rằng, ông Musk “dường như không hiểu gì về cách các dự án nghiên cứu hoạt động như thế nào”, vị tỷ phú top đầu thế giới nổi giận: “Thế ông đã làm được “khoa học” gì trong 5 năm qua?

Chỉ chờ có thế, ông LeCun được dịp “trưng” ra bảng thành tích dày đặc của mình, vón được liệt kê trên trang Google Scholar: bao gồm “hơn 80 tài liệu kỹ thuật được xuất bản từ tháng Một năm 2022”.

Không buông tha, ông Musk vẫn tiếp tục dù bắt đầu đuối lý: “Ngần đó thứ chẳng là gì, ông yếu đuối quá. Cố gắng hơn nữa đi.”

Chọc nhầm

Biết ông Musk coi thường nghiên cứu của mình, ông LeCun nói luôn: “Với những người nói rằng các tài liệu này chỉ là “vài tờ giấy”: Một trong số chúng nói về mạng thần kinh nhân tạo chồng chập (Convolutional neural networks – hay CNNs hoặc ConvNets) vào năm 1989.”

Ông cũng không quên “nhắc nhẹ” rằng, chính Tesla cũng đang dùng đến thành quả nghiên cứu của ông: “ConvNets đã được sử dụng trong mọi hệ thống thị giác thời gian thực ngày nay. Đối với các hệ thống hỗ trợ lái xe, chúng được sử dụng bởi MobileEye từ năm 2014, bởi Tesla từ năm 2016 (khi MobileEye dừng bán hệ thống thị giác của mình cho họ), bởi NVIDIA vào cùng thời gian đó và mọi người khác cũng đang dùng.”

Vừa nhắc đến Tesla, ông Musk lập tức phủ nhận: “Thật ra, hiện nay chúng tôi không dùng đến CNNs nữa“.

Chọc nhầm

Hóa ra ông Musk lại rơi vào chính cái bẫy vừa được giăng ra khi ông LeCun vặn lại: “Hơi tò mò là nếu không dùng ConvNets, thì hệ thống hỗ trợ lái xe FSD của ông dùng cái gì để có thể hiểu được hình ảnh camera trong thời gian thực“.

Câu chốt hạ này của ông LeCun dường như đã làm ông Musk cứng họng không đáp trả nổi khi sau đó không thấy CEO Tesla vào biện hộ thêm lần nào nữa.

Cần nói thêm rằng: CNNs là thuật toán học máy được ông Yann LeCun cùng nhiều nhà nghiên cứu khác giới thiệu vào năm 1989, một phương pháp tạo ra các mạng thần kinh nhân tạo có khả năng trích xuất thông tin và học hỏi hiệu quả.

Cho đến nay thuật toán này vẫn được sử dụng trong công nghệ Máy Học (Machine Learning) để nhận diện hình ảnh theo thời gian thực. Hệ thống hỗ trợ lái xe của Tesla dùng camera để nhận diện vật thể qua hình ảnh camera và hỗ trợ tự lái nên chắc chắn phải dùng đến thuật toán Máy Học liên quan CNNs.

Điều thú vị là hiện tại ông Yann LeCun đang là nhà khoa học trưởng về AI của Meta, công ty sở hữu các nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới hiện nay, bao gồm Facebook, Instagram, WhatsApp và mới đây là Threads. Năm ngoái, chính ông Musk còn định tỷ thí đấu võ với ông chủ của Meta, Mark Zuckerberg.