Tâm bão Yagi vào Quảng Ninh – Hải Phòng với sức gió 149km/h, cấp 13, cuốn bay mảng kính nhà cao tầng, giật sập cần cẩu cỡ lớn, làm đắm du thuyền. Nhiều tỉnh mất điện diện rộng.
Cuối giờ chiều, một số khu dân cư bị mất điện như Đông Phương Yên (Chương Mỹ); Tây Mỗ (Nam Từ Liêm). Lo ngại mất điện diện rộng, nhiều người đã nấu cơm, tích trữ nước nóng từ sớm. Chị Thành Tâm (Tây Mỗ) chuẩn bị vo gạo thì bị cắt điện, cả nhà đành chuyển sang ăn mì tối nay.
Người dân đi lại khó khăn khi qua ngã tư Lê Văn Lương – Hoàng Đạo Thuý lúc 16h15 chiều 7/9. (Ảnh: Võ Hải).
Tại Hải Phòng, gió bão đã ngớt, người dân tranh thủ dọn dẹp mái tôn bay, cây đổ, cột điện hỏng.
Người dân Hải Phòng dọn dẹp lúc ngớt mưa, lặng gió. (Ảnh: Lê Tân).
Vân Đồn (Quảng Ninh) cũng trong tình trạng tương tự. Tấm tôn, biển báo la liệt trên mặt đường, hầu hết cây ven đường bị thổi nghiêng, lật gốc, gãy cành. Chỉ một lúc, mưa xối xả trở lại. Cột sóng bị gãy khiến sóng di dộng, 4G toàn khu vực bị mất.
Người đàn ông dọn đất quanh cây đổ trước nhà ở Vân Đồn. (Ảnh: Phạm Dự).
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung Tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia cho biết, bão hiện cách Hà Nội khoảng 200 km nhưng do hoàn lưu rộng nên từ đầu giờ chiều nay đã ghi nhận gió mạnh cấp 4-5, giật cấp 6-7. Song đây chưa phải là thời điểm mạnh nhất của bão, từ giờ đến đêm nay khi tâm bão càng gần thì dự báo sức gió mạnh nhất ở Hà Nội càng tăng, có thể mạnh cấp 6-7, giật cấp 9-10.
“Những giờ qua có thể thấy nhiều cây cối ở địa bàn Hà Nội bật gốc, mức gió tăng như trên tình trạng này vẫn có thể tiếp diễn”, ông Hưởng nói thêm rằng trong 12 giờ tới người dân Hà Nội không nên ra khỏi nhà, thời tiết thủ đô chỉ trở lại bình thường từ sáng mai.
Người dân Hà Nội di chuyển trên đường bị gió bão thổi bạt áo mưa. (Ảnh: Võ Hải).
Trong 3- 6h tới, bão đi sâu vào khu vực Đông Bắc Bộ với sức gió mạnh nhất cấp 9-11, sau đó sẽ chuyển ra khu vực Tây Bắc Bộ và suy yếu thành vùng áp thấp. Dưới tác động của hoàn lưu bão, từ giờ đến đêm Bắc Bộ tiếp tục có gió bão mạnh cấp 9-11 ở khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định. Các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hưng Yên gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11-12.
Chiều nay, thành phố Hà Nội tạm dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng. Hai tuyến tàu điện trên cao Cát Linh – Hà Đông, Nhổn – ga Hà Nội dừng chạy từ 13h và xe bus dừng dần từ 15h. Thời gian hoạt động trở lại sẽ được thông báo dựa trên tình hình thực tế sau khi bão tan.
Trong sáng và trưa nay, metro Cát Linh – Hà Đông vẫn hoạt động bình thường. (Ảnh: Võ Hải).
Quốc lộ 15, quốc lộ 16 qua tỉnh Thanh Hoá có một số đoạn bị sạt lở ta luy âm, nền đường bị nứt, gây mất an toàn giao thông.
Một điểm sạt lở trên quốc lộ 15 được rào chắn. (Ảnh: Sở GTVT Thanh Hoá).
Chiều 7/9, gió lớn thổi bay mái tôn nhà xưởng công ty giày ở Thượng Đình, Thanh Xuân. Cây đổ la liệt khiến một số chủ xe vội vã đánh ôtô đi nơi khác, tránh cây bật gốc đè bẹp.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh kêu gọi người dân không ra khỏi nhà để tránh rủi ro tính mạng.
Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ thống kê lượng mưa 7-13h hôm nay tại Hà Nội phổ biến 30- 60mm. Dự báo chiều và đêm nay, khu vực nội thành và một số huyện có gió mạnh cấp 5- 6, sau tăng lên cấp 7- 8, giật cấp 10.
Từ chiều nay đến sáng mai, thành phố sẽ có mưa to đến rất to, nội thành và các huyện Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Thạch Thất, Quốc Oai, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh 200 – 300mm, có nơi trên 400mm; thị xã Sơn Tây và các huyện Phúc Thọ, Chương Mỹ, Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên 150 – 250mm, có nơi trên 350mm.
Cây xanh bật gốc trên đường Lê Văn Lương. (Ảnh: Võ Hải).
Mưa lớn khiến một khối đất đá lớn đổ xuống quốc lộ 4H qua huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên sáng 7/9. GIao thông qua đây gián đoạn, các phương tiện đã được hướng dẫn đi đường khác.
Sạt lở trên quốc lộ 4H qua Điện Biên. (Ảnh: Sở GTVT Điện Biên).
Đại diện Điện lực Quảng Ninh cho biết hiện toàn tỉnh đã cắt điện để đảm bảo an toàn. Thống kê nhanh tại Quảng Ninh, 14 trạm biến áp 110kV bị tách khỏi vận hành, 84 đường dây trung áp gặp sự cố do bão Yagi. Hiện 4 lộ đường dây đã được ngành điện khắc phục sự cố. Khoảng 274.000 khách hàng trên địa bàn bị mất điện.
Tại Thái Bình, theo báo cáo nhanh, 4 đường dây 110kV gặp sự cố, 3 trạm biến áp 110kV đang mất điện. 110 lộ đường dây trung áp (cấp điện áp từ 15kV trở lên) mất điện. Khoảng 570.000 khách hàng ở Thái Bình bị mất điện. Hiện tại các công ty điện lực ở địa phương đã chuẩn bị đủ vật tư, trang thiết bị, đợi bão tan sẽ sớm sửa chữa, cấp điện trở lại cho người dân.
Khu vực ven biển tại Tiền Hải, Thái Bình gió rất mạnh, kèm theo mưa xối xả. Nhiều cây phi lao chắn sóng bị gãy đổ. Người đứng trước gió nếu không vững có thể bị thổi bay.
Hải Phòng mưa gió gầm lên thành từng cơn. Cần cẩu ở công trường đường Hồng Bàng, quận Hồng Bàng rung lắc, quay vòng tròn trong hai tiếng và sụp đổ.
Cần cẩu gãy đổ trong mưa bão Yagi. (Ảnh: Lê Tân).
Theo Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh, đến 13h45, lực lượng chức năng đã cấm phương tiện qua cầu Bạch Đằng, Bãi Cháy… Trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, quốc lộ 18, 18B, 279 đã có nhiều cột điện, cây xanh, biển báo bị gẫy, đổ.
Trên hệ thống đường tỉnh, lực lượng chức năng đã cấm cầu Vân Đồn – đường tỉnh 334; một số ngầm tràn. Hiện có ít phương tiện lưu thông trên các tuyến đường.
Khu vực tỉnh Quảng Ninh ghi nhận gió cấp 14, giật cấp 17.
Cấm phương tiện trên cầu Đình Vũ lúc 9h sáng. (Ảnh: Sở GTVT Hải Phòng).
Nằm trong tâm bão cấp 12, quận Đồ Sơn trời mưa mù mịt, gió rít ghê tai. Hàng cây thông, cau vua xơ xác, gãy đổ nghiêng ngả.
Khu vực biển Vân Đồn (Quảng Ninh), nhiều tàu bị đứt neo trôi dạt trên biển. Gió lớn giật tung nóc một số tàu, thuyền. Sau một số thuyền bè bị đứt neo trôi ra biển, có người rơi xuống biển, lực lượng chức năng đã ngăn chặn người dân xuống thuyền bè để đảm bảo an toàn.