‘Xanh hóa’ sản xuất hóa chất và phân bón tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp

‘Xanh hóa’ sản xuất hóa chất và phân bón tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp

Ngày 24/10/2024 diễn ra Tọa đàm “Xanh hóa” sản xuất hóa chất và phân bón: Cơ hội cạnh tranh hiệu quả cho doanh nghiệp do Tạp chí Công Thương tổ chức.

Chi phí đầu tư cho công nghệ xanh còn rất cao

Xanh hóa công nghiệp đang trở thành xu hướng phát triển đem lại hiệu quả trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường. Hiện nay, thị trường trong và ngoài nước cũng liên tục có những quy định mới liên quan tới sản xuất xanh, tăng trưởng xanh, đòi hỏi hàng hóa phải có những giải pháp thích ứng.

‘Xanh hóa’ sản xuất hóa chất và phân bón tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp
Toàn cảnh Toạ đàm

Trong khi đó, sản xuất hoá chất và phân bón là những ngành công nghiệp tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây phát thải cao, sử dụng nhiều năng lượng.

Theo ông Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, sản xuất xanh là xu thế tất yếu, không chỉ có ngành phân bón, ngành hóa chất nói chung hoặc là phân bón nói riêng.

Là một trong 10 phân ngành của ngành hóa chất, theo ông Hà, khi sản xuất xanh cần đảm bảo vừa phát triển bền vững vừa cạnh tranh có hiệu quả, bởi xu hướng tiêu dùng thông minh, khi chọn một mặt hàng nào thì đầu tiên sẽ là chất lượng, giá cả tiếp đến là chọn thương hiệu. “Nếu doanh nghiệp sản xuất theo hướng xanh thì thương hiệu sẽ nổi tiếng hơn. Theo đó việc sản xuất xanh, tức là gắn với nông nghiệp xanh, trong đó chú trọng để đầu vào tiết kiệm được năng lượng, tiết kiệm được nguồn tài nguyên thiên nhiên và đầu ra phải đảm bảo môi trường, phải bền vững”– ông Phùng Hà nêu và cho rằng việc sử dụng phân bón khá lãng phí. Dẫn thống kê của của IFA (Tổ chức Hiệp hội phân bón thế giới), theo ông Hà, trên thế giới bình quân chỉ dùng khoảng 135 kg-140 kg/hecta, còn ở Việt Nam lên tới 400 kg.

Theo ông Phùng Ngọc Bộ, Trưởng Ban Kỹ thuật thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, các doanh nghiệp hóa chất đã nhận ra tầm quan trọng của việc loại bỏ nguồn ô nhiễm và quản lý môi trường: “Việc loại bỏ các chất thải không chỉ mang lại lợi ích về môi trường mà còn giúp nâng cao vị thế của doanh nghiệp khi hòa nhập chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là tiếp cận các thị trường khắt khe như EU”- ông Bộ nói.

Tuy nhiên, ông Bộ cũng thừa nhận thách thức lớn nhất hiện nay là chi phí đầu tư cho công nghệ xanh còn rất cao. Chi phí công nghệ và giá thành sản phẩm xanh hiện nay vẫn cao hơn nhiều so với sản phẩm thông thường, đòi hỏi thời gian dài để cân bằng giữa lợi ích kinh tế và môi trường. Điều này cho thấy doanh nghiệp cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ phía nhà nước để tiếp cận nguồn vốn đầu tư và tài trợ cho các dự án xanh hóa.

Bên cạnh đó, ông Bộ nhìn nhận, dù các cơ chế, chính sách đã có, song đối với ngành hóa chất để tiếp cận cũng chưa thực sự rõ ràng, chưa kể việc tiếp cận các nguồn tài chính ưu đãi để đầu tư công nghệ, chuyển đổi xanh còn khó khăn…

Liên quan tới vấn đề xanh hóa, bà Nguyễn Thanh Phương, Cục Kỹ thuật An toàn và môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, nhận thức xanh hóa công nghiệp là khó khăn lớn nhất, do chưa có quy định cụ thể nên việc triển khai còn gặp khó khăn.

Mặt khác, năng lực triển khai thực hiện đối với các doanh nghiệp ngành hóa chất nói riêng, đặc biệt liên quan đến xanh hóa công nghiệp như việc chuyển đổi nguồn nguyên liệu đầu vào đến chuyển đổi nguồn năng lượng sử dụng, thay đổi các công nghệ, áp dụng các công nghệ mới, công nghệ xanh, thân thiện với môi trường hơn… đều phải đầu tư lớn, do vậy sẽ khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Mặc dù Việt Nam có những chủ trương hướng tới xanh hóa công nghiệp cũng như là sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên rồi là sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn năng lượng. Thế nhưng việc áp dụng nó hiện nay vẫn còn rất nhỏ lẻ, chưa đồng bộ,” bà Nguyễn Thanh Phương nói.

Cần cơ chế chính sách “trợ lực”

Ông Phùng Ngọc Bộ đề xuất có những cơ chế ưu đãi về thuế và nguồn vốn đầu tư cho các dự án xanh. Hiện nay, chi phí sản xuất sản phẩm xanh còn cao, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận các quỹ đầu tư xanh. Đại diện tập đoàn này cũng đề xuất giảm thuế VAT đối với các sản phẩm tái chế từ bã thạch cao để tăng tính cạnh tranh, đồng thời bổ sung thêm các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho việc xử lý và sử dụng bã thạch cao trong các lĩnh vực khác ngoài xi măng.

Trong khi đó, ông Phùng Hà đề xuất nhà nước tập trung vào việc phát triển phân bón hữu cơ và hỗ trợ nghiên cứu các loại phân bón thế hệ mới.

‘Xanh hóa’ sản xuất hóa chất và phân bón tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp
Xanh hóa sản xuất hóa chất và phân bón tạo cơ hội cạnh tranh hiệu quả cho doanh nghiệp. Ảnh: TH

Còn theo Gáo sư, Tiến sỹ Bùi Chí Bửu, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, Cố vấn kỹ thuật Công ty Phân bón Việt Nhật, để hiệu quả phân bón tăng cao, phải dựa vào cách tiếp cận hiện đại nhất, đó là nông nghiệp chính xác, nó có điện toán hóa và tất cả mọi thứ để tư vấn cho nông dân nên bón thế nào, làm thế nào…

Tại hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Đại diện Cục Kỹ thuật An toàn và môi trường Công nghiệp cho hay, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường chỉ đạo cũng như triển khai các nhiệm vụ liên quan được giao trong Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường nói chung, các nội dung liên quan như phát triển công nghiệp môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng ngừa, ứng phó với các sự cố môi trường, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh…

Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục đồng hành cùng Bộ Tài nguyên Môi trường để tìm ra những quy định và chỉnh sửa các quy định liên quan cho phù hợp giúp các doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả, khả thi nhất.

Hiện Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành nói chung và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố nói riêng để hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển công nghiệp môi trường trong giai đoạn tới, bao gồm những nội dung để thúc đẩy xanh hóa ngành nông nghiệp nói chung và ngành hóa chất nói riêng.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng sẽ đẩy mạnh xây dựng “Đề án xanh hóa công nghiệp giai đoạn đến năm 2030” với mục tiêu thúc đẩy phát triển công nghiệp môi trường, kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải khí nhà kính. Đây là một trong bước đi quan trọng nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam về mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *