Sắc thái ảm đạm bao trùm Hóa chất Đức Giang (DGC)

Kết thúc quý II, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC) ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt trên 2.500 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp không xê dịch ở mức 39%, tương đương đạt 983 tỷ đồng.

Vậy nhưng, doanh thu hoạt động tài chính của DGC quý này chỉ còn 165 tỷ đồng, thấp hơn 9% cùng kỳ do lãi suất tiền gửi suy giảm. Trong khi đó, chi phí vận hành bao gồm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 8% và 36% lên 117 tỷ đồng và 52 tỷ đồng.

Vì thế, lợi nhuận sau thuế của DGC không tăng trưởng trong quý II năm nay, mà giảm nhẹ khoảng 1% xuống 871 tỷ đồng. Tiếp nối đà ảm đạm của quý đầu năm, tính chung 6 tháng vừa qua, DGC chứng kiến doanh thu và lợi nhuận sau thuế đều sụt giảm so với cùng giai đoạn 2023, xuống 4.890 tỷ đồng và 1.574 tỷ đồng.

Nhờ dự báo lợi nhuận 2024 có khả năng tăng trưởng âm từ sớm, ban lãnh đạo đặt kế hoạch lợi nhuận thấp hơn 4,4% mức thực hiện năm ngoái còn 3.100 tỷ đồng; trong khi doanh thu vẫn kỳ vọng tăng gần 5% lên 10.202 tỷ đồng. Tính ra, tới nay DGC đã hoàn thành 48% kế hoạch doanh thu và 51% kế hoạch lợi nhuận.

Bước sang quý III, nhận diện những khó khăn phía trước, DGC tiếp tục đưa ra kế hoạch kinh doanh “giật lùi” so với cùng kỳ, lần lượt là 2.395 tỷ đồng về doanh thu và 720 tỷ đồng về lợi nhuận sau thuế, tương ứng giảm 3% và 10%. Có thể nói, không khí kém vui đang bao trùm “ông lớn” xuất khẩu phốt pho vàng (P4) này.

Điều đó trái ngược so với quan điểm lạc quan của giới phân tích dành cho DGC trong năm 2024. Chẳng hạn như Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS), ở báo cáo xuất bản mới nhất tin rằng sự phục hồi của ngành bán dẫn cùng với làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất xe điện trên thế giới sẽ thúc đẩy sản lượng tiêu thụ và giá bán P4, tạo thuận lợi kết quả kinh doanh của DGC.

Theo TPS, P4 và Acid phosphoric – hai sản phẩm chủ chốt của DGC là nguyên liệu đầu vào trong quy trình sản xuất vi mạch điện tử, chất bán dẫn. Việc nguồn cung hạn chế từ Trung Quốc càng thúc đẩy thêm giá P4 neo cao, giúp Việt Nam (quốc gia đứng đầu về xuất khẩu P4) được hưởng lợi.

Dĩ nhiên, với công suất P4 khoảng 70.000 tấn/năm (chiếm 70% tổng công suất của cả nước), DGC là người vui mừng nhất. Xuất khẩu P4 của DGC được TPS dự báo sẽ tăng mạnh vào cuối năm 2024 khi các nhà máy sản xuất pin xe điện và chip mới ở Đông Á và Bắc Mỹ đa dạng hóa nhà cung ứng P4 trong chiến lược “Trung Quốc +1” để giảm sự phụ thuộc vào nguồn P4 của Trung Quốc.

Chưa kể, doanh thu của DGC năm 2024 sẽ có thêm sự đóng góp từ dự án Nhà máy Xút chất dẻo Nghi Sơn. Dự án Nghi Sơn được kỳ vọng sẽ hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2024 – 2025 và giai đoạn 2 vào năm 2026 với quy mô 150.000 tấn Xút/năm, tương ứng khoảng trên 1.800 tỷ đồng/năm.

Trên cơ sở đó, nhóm phân tích của TPS dự phóng kết quả kinh doanh 2024 của DGC ở mức 11.648 tỷ đồng về doanh thu (tăng 13% so với năm trước) và 4.000 tỷ đồng về lợi nhuận sau thuế (tăng 29%). Giá cổ phiếu DGC vì thế cũng tăng theo, có thể lên tới 137.000 đồng/cp – mức cao chưa từng có.

Song, cổ phiếu DGC thực tế thời gian qua đang trong xu hướng giảm sút, đặc biệt từ khi chạm “đỉnh” 131.800 đồng/cp thiết lập hồi giữa tháng 6. Hiện, nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra 110.000 đồng là đã được sở hữu 1 cổ phiếu DGC, tiết kiệm 16,5% nếu mua sớm cách đây tròn 1 tháng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *