Chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế biển xanh không chỉ là xu thế toàn cầu mà còn là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, khi kinh tế biển “nâu” đang trở thành “vật cản” trên con đường phát triển bền vững, kinh tế biển đất nước trong bối cảnh phức tạp, khó lường ở Biển Đông. Điều này đã được thể hiện rõ trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, phát triển bền vững kinh tế biển phải dựa trên nền tảng tăng trưởng xanh, phát huy các giá trị văn hoá biển đặc trưng Việt Nam và đòi hỏi phải thực hiện thành công 3 khâu đột phá chiến lược về: thể chế; khoa học – công nghệ biển, giáo dục – đào tạo nguồn nhân lực biển; hệ thống cơ sở hạ tầng “đa dụng”.
Hướng tới một nền kinh tế biển xanh và bền vững cũng đòi hỏi phải giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề cụ thể có liên quan bằng nhiều giải pháp khác nhau để bảo đảm chất lượng và an ninh môi trường biển, bảo toàn nguồn vốn tự nhiên biển, thay đổi hành vi ứng xử của con người đối với biển đảo, quản lý tổng hợp và thống nhất quản lý nhà nước về biển đảo, quy hoạch và quản lý không gian biển; để các giá trị văn hoá biển đặc trưng của Việt Nam trở thành “động lực phát triển”, thúc đẩy hợp tác quốc tế và tuyên truyền về phát triển bền vững kinh tế biển…
Đối với Việt Nam, biển đảo nói chung và kinh tế biển nói riêng luôn là những vấn đề có ý nghĩa trọng đại, liên quan đến sự sinh tồn của dân tộc, nhưng rất nhạy cảm. Đặc biệt, trong bối cảnh Biển Đông – nơi chứa đựng các lợi ích đan xen, nơi tồn tại các tuyên bố chủ quyền và tranh chấp biển, đảo đơn phương, phi lý của cường quyền chính trị nước lớn – một trong những thách thức dài hạn đối với phát triển bền vững kinh tế biển nước ta. Trong bối cảnh như vậy, cùng với ảnh hưởng trường diễn của biến đổi khí hậu, biến đổi đại dương thì Việt Nam phải lấy tài nguyên và môi trường làm nền tảng, làm “chất xúc tác” để thúc đẩy phát triển kinh tế biển xanh, bền vững. Vì thế, bảo vệ tài nguyên, môi trường và chủ quyền biển, đảo là 3 mặt của một vấn đề, không thể tách rời.
Ngoài ra, phát triển bền vững kinh tế biển nước ta còn chịu tác động trực tiếp, cả trong ngắn hạn và dài hạn, từ chính các hoạt động khai thác, sử dụng biển, đảo và vùng ven biển. Các giá trị tài nguyên biển, đảo nước ta chưa phát huy được hiệu quả đích thực; một số dạng tài nguyên bị suy giảm và suy thoái; môi trường biển tiếp tục bị đầu độc bởi các nguồn thải chưa qua xử lý, chủ yếu từ nguồn đất liền; an ninh môi trường Biển Đông và biển nước ta bị đe doạ tiềm ẩn liên quan tới hành vi ứng xử thiếu thân thiện của con người; nguồn vốn tự nhiên biển, đảo chưa được bảo toàn, mức tiêu hao lớn; phương thức khai thác biển, đảo của các ngành/nghề kinh tế biển còn lạc hậu; phát triển khoa học, nhất là công nghệ biển chưa tương xứng với tiềm năng, có biểu hiện tụt hậu so với thế giới và khu vực…
Các bài viết và trả lời phỏng vấn đa dạng về chủ đề, đề cập đến nhiều lĩnh vực, nhiều khía cạnh trong hoạt động bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên, quản lý và quản trị biển, đảo vì sự phát triển bền vững kinh tế biển của nước ta trong bối cảnh phức tạp ở Biển Đông. Các bài viết và trả lời phỏng vấn cũng mang tính thời sự, phản ánh kịp thời các “tình huống” nảy sinh vào những thời điểm khác nhau và có ảnh hưởng đến phát triển kinh tế biển xanh, bền vững của Việt Nam. Cho nên, việc phân chia ra các phần/chương/mục trong cuốn sách này còn mang tính tương đối, cũng như các số liệu dẫn ra có thể còn khác nhau, đôi khi còn chưa khớp. Ngôn ngữ sử dụng trong các bài viết và trả lời phỏng vấn chủ yếu là văn nói và ngôn ngữ “báo chí”, đây cũng là điều mà tác giả cuốn sách mong muốn người đọc chia sẻ.
Nội dung cuốn sách hy vọng có thể chuyển tải được các thông tin, mang lại cảm hứng, tình tò mò bên cạnh vấn đề biển đảo vốn đã thu hút sự quan tâm của các bạn đọc xa gần. Cuốn sách vừa là tập tài liệu tuyên truyền nâng cao nhận thức, vừa cung cấp những kiến thức cơ bản, các giải pháp về quản lý bền vững biển đảo, về các vấn đề liên quan đến kinh tế biển xanh và bền vững ở nước ta. Vì thế, cuốn sách không chỉ hữu ích đối với tất cả các đối tượng bạn đọc, mà còn đối với công tác nghiên cứu và quản lý nhà nước về biển đảo ở nước ta. Đặc biệt, cuốn sách là sự ghi nhận một phần đóng góp của tác giả cho sự nghiệp phát triển và bảo vệ biển đảo đất nước; đồng thời đánh dấu chặng đường 50 năm nghiên cứu, quản lý và giảng dạy về biển, đảo của tác giả.
Cuốn sách được in bìa cứng, khổ 16 x 24 cm tại Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, nộp lưu chiểu tháng 12/2023.
TCKHCNVN