Theo Văn bản số 213/TB-VPCP ngày 7/6/2023 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hóa chất, Thường trực Chính phủ thống nhất về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Hóa chất năm 2007 và đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương về việc xây dựng Luật thay thế Luật Hóa chất năm 2007 nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho sự phát triển ngành công nghiệp hóa chất và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hóa chất.
Xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi) là cần thiết
Theo Bộ Công Thương, Luật Hóa chất được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2007, so với thời điểm ban hành Luật, hệ thống pháp luật hiện nay đã có nhiều thay đổi, nhiều Luật mới được ban hành hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, từ năm 2008 đến nay, Việt Nam đã gia nhập nhiều Hiệp định thương mại tự do, một số Công ước, Điều ước quốc tế mới về quản lý hóa chất. Thực tiễn thi hành luật cũng cho thấy một số quy định của Luật Hóa chất đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc, không còn phù hợp với tình hình thực tế, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung.
Bộ Công Thương nhận thấy, sau 15 năm thi hành, việc sửa đổi Luật Hóa chất là cần thiết nhằm thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng trong lĩnh vực hóa chất; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; khắc phục một số vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành; phù hợp với bối cảnh trong nước, quốc tế hiện nay và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan lập Đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật đã được Bộ Tư pháp thẩm định. Cụ thể, tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương đã chỉnh lý hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật và trình Chính phủ xem xét tại Tờ trình số 1873/TTr-BCT 31/3/2023 về Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hóa chất.
Tiếp thu ý kiến của Thường trực Chính phủ và các Thành viên Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật với các nội dung chủ yếu sau: Xây dựng hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi), thay thế cho Luật Hóa chất năm 2007
Trên cơ sở đó, hoàn thiện Báo cáo tổng kết thi hành Luật Hóa chất hiện hành và các quy định có liên quan; xác định rõ các vấn đề bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành, nguyên nhân của các bất cập, vướng mắc đó và đề ra phương hướng sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật này.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn, các cá nhân, tổ chức có liên quan để hoàn thiện các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật.
Bộ Công Thương cũng rà soát, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các chính sách, giải pháp thực hiện chính sách, phướng án sửa đổi, bổ sung Luật Hóa chất hiện hành với các quy định của Luật Đầu tư, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Luật Trồng trọt, Luật Phòng thủ dân sự và các luật khác có liên quan; nội luật hóa các cam kết, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Đề xuất 4 nhóm chính sách
Căn cứ chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và yêu cầu từ thực tiễn, Bộ Công Thương đề xuất 04 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật.
Thứ nhất, phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại
Bổ sung các quy định về xây dựng và thực thi chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất; Xây dựng một số yêu cầu, tiêu chí, quy định đặc thù đối với dự án hóa chất; Xây dựng các quy định nhằm quản lý, thúc đẩy mạng lưới tư vấn trong hoạt động hóa chất, hỗ trợ phát triển cả về số lượng và chất lượng; Sửa đổi quy định về thời điểm định Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; bổ sung quy định về lồng ghép kế hoạch bảo vệ môi trường trong kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.
Thứ hai, quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời: Rà soát, xây dựng quy định nhằm đảm bảo hiệu lực quản lý xuyên suốt vòng đời của hóa chất, đồng thời kết hợp cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; Quy định việc nhập khẩu hóa chất phải khai báo, đối với một số hóa chất cần kiểm soát đặc biệt sẽ có quy định riêng; Nghiên cứu, xây dựng các quy định riêng phù hợp với đối tượng đặc thù của hoạt động phối trộn, pha loãng hóa chất; Xây dựng đồng bộ hệ thống quản lý các loại hóa chất với các mức độ chặt chẽ khác nhau tùy thuộc vào tính chất nguy hiểm, kết quả đánh giá rủi ro và yêu cầu đảm bảo an toàn, trật tự xã hội; Xây dụng tiêu chí cụ thể nhằm xác định hóa chất cần phải quản lý trong toàn bộ vòng đời; hóa chất cấm, hóa chất hạn chế phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam; Sửa đổi quy định về hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh để thống nhất với Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch và các luật khác có liên quan.
Thứ ba, quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm: Xây dựng các quy định về quản lý hóa chất độc hại trong sản phẩm; Quy định trách nhiệm cung cấp thông tin nguy hại về hóa chất của sản phẩm cho người sử dụng.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả đảm bảo an toàn hóa chất: Hoàn thiện các quy định về hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong lĩnh vực hóa chất; Cơ chế kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao hiệu quả của Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hoá chất và huấn luyện an toàn hóa chất; Sửa đổi các quy định về Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực hiện; Tăng cường công tác phối hợp của các cơ quan nhà nước, các ngành, các cấp trong việc thống nhất quản lý, giám sát việc thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của doanh nghiệp; nâng cao hoạt động phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của các địa phương.
Đồng thời, nâng cao chất lượng các tổ chức tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong đảm bảo an toàn, xây dựng kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa, huấn luyện an toàn hóa chất.
Thông qua 04 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật ở trên, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ, giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi).
Giao Bộ Tư pháp tổng hợp Đề nghị xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi) vào Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng Luật của Chính phủ năm 2024, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định với tiến độ dự kiến: trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2025).