Xói mòn đe dọa độ cao của ngọn núi Everest

Everest là ngọn núi cao nhất thế giới hiện nay với chiều cao 8.849m. 

Các nhà nghiên cứu cho rằng sự kết hợp của nhiều yếu tố địa chất, ảnh hưởng của xói mòn có thể khiến một ngọn núi cao hơn Everest xuất hiện trong tương lai.

Núi Everest là núi cao nhất thế giới tính từ mực nước biển. Nhưng để xác định điều này có kéo dài mãi mãi, đầu tiên phải hiểu rõ quá trình hình thành núi cũng như tại sao núi Everest và phần còn lại của dãy Himalaya cao như vậy. Một cách để núi cao ra đời là khi hai mảng kiến tạo va chạm. Trong khi một mảng bắt đầu chìm xuống hay di chuyển bên dưới mảng còn lại, vỏ Trái đất bị dồn lên và trở thành núi.

Theo Rob Butler, nhà địa chất học ở Đại học Aberdeen tại Scotland, chiều cao của những ngọn núi hình thành do va chạm kiểu này phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Các đặc điểm bao gồm độ dày của lớp vỏ Trái đất được xác định bởi cường độ và chiều dài của va chạm kiến tạo và nhiệt độ lớp vỏ do niên đại của nó quyết định.

Everest là ngọn núi cao nhất thế giới hiện nay với chiều cao 8.849m. 
Everest là ngọn núi cao nhất thế giới hiện nay với chiều cao 8.849m.

“Hãy hình dung lớp vỏ Trái đất không phải vật rắn mà là chất lỏng nhờn như siro cây thích. Giống như siro lạnh, lớp vỏ lạnh nhờn hơn và do đó chắc chắn hơn. Vì vậy, lớp vỏ càng dày lạnh càng hình thành núi cao hơn so với lớp vỏ mỏng ấm”, Butler giải thích.

Ngoài độ dày và nhiệt độ của vỏ Trái đất, yếu tố quan trọng nhất quyết định độ cao và sự phát triển của núi là xói mòn. Theo Butler, tác động của xói mòn hiệu quả đến mức Himalaya là một trong những hệ thống đá nhô cao nhanh nhất hành tinh. Điều này dựa trên nguyên lý đẳng tĩnh. Tương tự tàu container trôi nổi trên đại dương, càng ít vật liệu chồng lên vỏ Trái đất, nó càng nhô cao hơn phía trên lớp phủ (lớp giữa của hành tinh).

Vì vậy, càng nhiều vật liệu được đưa đi xa khỏi ngọn núi, bất kể thông qua sông ngòi, băng hà hay mưa lớn và sạt lở, núi non xung quanh càng nhô cao hơn. Trên thực tế, một nghiên cứu năm 2024 cho thấy sự xói mòn nhanh chóng của hệ thống sông cách núi Everest hơn 72 km giúp đỉnh núi cao lên 15 – 50 m trong 89.000 năm qua.

Dù xói mòn là một yếu tố trong quá trình phát triển núi, nó cũng là một phần nguyên nhân khiến núi thu nhỏ, theo Matthew Fox, nhà địa chất học ở Đại học London. Bất kể ngọn núi phát triển hay thu nhỏ đều tùy vào sự cân bằng giữa tốc độ xói mòn và tốc độ nhô cao. Nếu tốc độ nhô cao lớn hơn, ngọn núi sẽ phát triển. Nếu tốc độ xói mòn lớn hơn, ngọn núi sẽ thu nhỏ.

Một số nhà khoa học cho rằng Nanga Parbat – một trong những ngọn núi hàng xóm của Everest cũng thuộc dãy Himalaya và ngọn núi cao thứ 9 trên Trái đất, phát triển đủ nhanh để vượt qua Everest về độ cao trong tương lai. Tuy nhiên, Butler không chắc chắn điều đó có xảy ra hay không. Dù Nanga Parbat phát triển nhanh hơn Everest, nó càng xói mòn nhanh hơn do cường độ mưa trong vùng. Ngược lại, Everest đang phát triển và xói mòn chậm hơn, khiến nó chỉ cao hơn Nanga Parbat 610m.

Dù vậy, Butler không loại trừ khả năng một ngọn núi khác trên dãy Himalaya sẽ soán ngôi của Everest. Bất kể có biến động theo thời gian hay không, các yếu tố sẽ gây ra thay đổi trong tốc độ phát triển của đỉnh núi. Nhưng Butler cho rằng khả năng một đỉnh núi cao hơn nhiều so với Everest rất thấp. Ngoài ra, trên Trái đất, lực hấp dẫn quá mạnh để núi phát triển cao hơn nhiều độ cao hiện nay của Everest.