Do ảnh hưởng của bão số 3, nước sông Hồng dâng cao và chảy xiết, sáng ngày 9/9 cầu Phong Châu trên Quốc lộ 32 tại tỉnh Phú Thọ đã bị sập. Vào thời điểm bị sập, trên cầu đang có nhiều người và phương tiện lưu thông.
Cũng trong sáng ngày 9/9, ngay sau khi nhận được tin báo về sự cố sập cầu Phong Châu, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã đến hiện trường chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn. Sau khi khảo sát hiện trường, Phó Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp tại Sở Chỉ huy được tỉnh Phú Thọ lập tại đầu cầu Phong Châu để chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục sự cố.
Báo cáo với Phó Thủ tướng, ông Bùi Văn Quang – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết: Cầu Phong Châu nối liền huyện Tam Nông và huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ bị sập vào lúc 10 giờ 2 phút. Chỉ 15 phút sau khi sự cố xảy ra, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cùng Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cùng các lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường nắm bắt tình hình, chỉ đạo công tác cứu nạn, khắc phục sự cố.
Qua trích xuất camera, lời khai nhân chứng cho thấy thời điểm xảy ra sự cố có 10 phương tiện (2 xe đầu kéo, 1 xe tải, 6 xe mô tô, 1 xe máy điện) đang di chuyển trên cầu; 8 người mất tích, đã cứu, đưa 3 người bị thương đi cấp cứu tại cơ sở y tế.
Tỉnh Phú Thọ đã thành lập Sở Chỉ huy ở đầu cầu Phong Châu (phía huyện Tam Nông) để chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục sự cố, điều tiết, phân luồng giao thông. Hiện lực lượng Quân đội gồm hơn 500 cán bộ, chiến sỹ thuộc Quân khu 2, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cùng lực lượng công an, dân quân tự vệ đã có mặt tại hiện trường, sẵn sàng cứu hộ.
Cùng với làm tốt công tác giải tỏa mặt cầu, không cho người ra vào khu vực cầu sập để bảo đảm an toàn, tỉnh cũng đã chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai phương án điều tiết, phân luồng giao thông từ xa nhằm hạn chế tình trạng ách tắc giao thông qua khu vực.
Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh Phú Thọ báo cáo về sự cố sập cầu Phong Châu, Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương rà soát số lượng phương tiện, nạn nhân bị rơi xuống sông. Khu vực cầu Phong Châu phải ngăn đường bằng rào cứng, đặt biển báo, ứng trực không cho phương tiện đi vào. Đồng thời, làm biển cảnh báo, hướng dẫn đường tránh cho các phương tiện lưu thông trên tuyến đường biết.
Về tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, trước mắt tìm kiếm ven bờ, khi điều kiện thời tiết, dòng chảy cho phép và đảm bảo an toàn sẽ triển khai phương tiện, lực lượng và các biện pháp kỹ thuật tìm kiếm người và phương tiện.
Theo thông tin mới nhất, danh sách sơ bộ nạn nhân mất tích vụ sập cầu Phong Châu sáng ngày 9/9/2024 gồm:
1. Nguyễn Thị Lan, sinh năm 2005, địa chỉ Khu 18, Vạn Xuân, Tam Nông Đắk Nông (xe máy)
2. Nguyễn Hà Chi, sinh 2005, địa chỉ: Đắk Nông (xe máy)
3. Dương Công Chiến, sinh năm 1981, địa chỉ khu 2, Dân Quyền, Tam Nông (xe đầu kéo, biển kiểm soát 19H-042.12)
4. Hà Quốc Chí, sinh năm 1986, địa chỉ, khu 5, Chu Hòa, Việt Trì (xe đầu kéo 19H-024.19)
5. Lương Xuân Thành, sinh năm 1968, địa chỉ khu 1, Thạch Đồng, Thanh Thủy
6. Nguyễn Thị Hường, sinh năm 1976, địa chỉ khu 1, Thạch Đồng, Thanh Thủy (đi cùng xe, xe máy 19L1-107.49)
7. Nguyễn Thị Bích Hằng, sinh năm 1988, địa chỉ Nỗ Lực, Thụy Vân, Tp. Việt Trì (xe máy 19N1-310.61)
8. Nguyễn Thị Yến, sinh năm 1979, địa chỉ khu 17, Sơn Vi, Lâm Thao (xe máy 19S1-086.82)
Danh sách sơ bộ nạn nhân bị thương gồm:
1. Bùi Quý Trọng, sinh năm 1991, địa chỉ Khu 10, Vạn Xuân, Tam Nông Khu 10, Vạn Xuân, Tam Nông
2. Nguyễn Minh Hải, sinh năm 1994, địa chỉ Khu 10, Vạn Xuân, Tam Nông Khu 10, Vạn Xuân, Tam Nông (đi cùng Bùi Quý Trọng, xe máy 19H4-0861)
3. Phan Trường Sơn, sinh năm 1984, địa chỉ Khu 10, Hương Nộn, Tam Nông (xe máy 19V1-4122).