Xyanua có thể được tìm thấy trong tự nhiên từ các thực phẩm như sắn (khoai mỳ), hạnh nhân, đậu lima chưa được sơ chế kỹ, hay có trong hạt trái cây như đào, táo, mơ.
Thời gian gần đây đã xảy ra rất nhiều vụ việc nghiêm trọng gây chết người có liên quan đến chất độc Xyanua khiến người dân vô cùng hoang mang, lo lắng.
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục mở rộng điều tra Nguyễn Thị Hồng Bích (sinh năm 1986, ngụ xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch) về hành vi giết người. Đến nay, Bích đã thừa nhận hành vi đầu độc bằng Xyanua khiến chồng và 2 cháu tử vong. Riêng người cháu thứ 3 may mắn thoát chết.
Vậy Xyanua là gì, nguy hiểm như thế nào đến tính mạng con người?
Khi nhắc đến Xyanua, nhiều người sẽ cảm thấy sợ hãi khi đây là loại hóa chất được xếp vào nhóm cực độc nên rất nguy hiểm đối với sức khỏe. Thế nhưng, loại hóa chất này vẫn được dùng ở mức cho phép trong việc sản xuất giấy, dệt may, nhựa hay dùng để diệt sâu bệnh, sâu bọ. Do đó việc hiểu rõ về chất độc này sẽ giúp bạn cảnh giác và biết cách bảo vệ bản thân.
Xyanua (Cyanide) là chất gì?
Theo thông tin từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), Xyanua là một hóa chất cực mạnh, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng kể cả ở nhiều dạng hợp chất khác nhau. Xyanua có thể tồn tại ở thể khí không màu như hydro xyanua (HCN), xyanua clorua (CNCl) hoặc dạng tinh thể như kali xyanua (KCN), natri xyanua (NaCN).
Về mùi vị, Xyanua được mô tả là có mùi giống như “hạnh nhân đắng”, nhưng đôi khi là không mùi, do đó rất khó có thể phân biệt được Xyanua với các hóa chất khác.
Điều đặc biệt nguy hiểm là Xyanua có thể được tìm thấy trong tự nhiên từ các thực phẩm như sắn (khoai mỳ), hạnh nhân, đậu lima chưa được sơ chế kỹ, hay có trong hạt trái cây như đào, táo, mơ.
Trong sản xuất, Xyanua có trong nhiều nguồn độc khác nhau như đám khói cháy, nhất là cháy vật dụng như len, tơ tằm, cao su tổng hợp, các chất polyurethane từ nhựa dẻo, sơn, keo, chất chống thấm, cách âm, nệm. Hóa chất từ phòng thí nghiệm hay sản xuất công nghiệp như luyện kim, chụp rửa ảnh, làm nữ trang hay đồ nhựa, khai thác mỏ, chất thải… cũng có thể sinh ra xyanua.
Xyanua nguy hiểm thế nào?
Xyanua có thể hấp thụ qua da, nhiễm vào cơ thể thông qua ăn uống, hít thở, chích thẳng vào trong máu. Xyanua gây ức chế hô hấp tế bào, ngăn cản quá trình hấp thụ oxy của tế bào, khiến tế bào chết đi. Chúng có tác dụng rất nhanh, mạnh, tác động vào hệ hô hấp và thần kinh gây nhiễm độc cấp tính, dẫn đến ngưng tim, có thể gây tử vong ngay sau vài phút.
Những người sống sót sau ngộ độc xyanua nặng có thể bị di chứng thần kinh như có biểu hiện của parkinson, vận động chậm, co cứng cơ…
Triệu chứng ngộ độc xyanua
Theo tư vấn chuyên môn của ThS.BS Doãn Uyên Vy, chuyên gia về bệnh nhiễm độc (TP HCM) trên VnExpress, triệu chứng ngộ độc xyanua có 2 cấp độ:
Nhiễm độc cấp tính
Ngộ độc xyanua cấp tính có tác dụng nhanh hay chậm tùy thuộc vào nhiều yếu tố như liều lượng, mức độ độc của từng loại xyanua, đường tiếp xúc là gì. Ví dụ, hít thở phải khí hydrogen cyanide, chích dung dịch dạng muối vào mạch máu thì chỉ cần vài giây. Nếu qua ăn uống, thường sẽ mất vài phút. Ăn phải những loại trái hay thực vật thì có thể xuất hiện triệu chứng chậm hơn sau vài giờ hoặc ngày hôm sau vì cần qua chuyển hóa bởi men tiêu hóa trong ruột mới sinh ra xyanua.
Người trúng độc xyanua thường có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, bứt rứt, lơ mơ, có khi co giật hôn mê, đau bụng, buồn nôn. Lúc đầu sẽ có thở nhanh, nhịp tim tăng, nhưng sau đó sẽ trụy tim mạch, tụt huyết áp, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ ngưng tim, ngưng thở và tử vong.
Nhiễm độc xyanua mạn tính
Điều này xảy ra do tiếp xúc với lượng rất nhỏ lâu ngày, có thể từ thói quen ăn uống các loại thực phẩm chứa xyanua hoặc liên quan nghề nghiệp, làm việc trong môi trường có chất này. Các triệu chứng thường diễn ra từ từ và mức độ nghiêm trọng tăng dần theo thời gian.
Chẳng hạn, người bị nhiễm độc có thể mờ mắt, giảm thị lực; liệt co cứng hai chân hơn là hai tay và đối xứng. Tình trạng này hay gặp ở người hay ăn khoai mì thường xuyên mỗi ngày, nhất là người suy dinh dưỡng thì nguy cơ càng cao. Nhiễm độc xyanua có thể gây rối loạn hormone giáp, suy giáp.
Tiếp xúc với Xyanua được điều trị như thế nào?
Ngộ độc Xyanua được điều trị bằng thuốc giải độc đặc hiệu và chăm sóc y tế hỗ trợ tại bệnh viện hoặc bởi nhân viên cấp cứu đã được đào tạo. Điều quan trọng nhất là nạn nhân phải được điều trị y tế càng sớm càng tốt. Bệnh nhân thường được thở oxy.
Thuốc giải độc cho ngộ độc Xyanua hữu ích nhất nếu được dùng càng sớm càng tốt sau khi tiếp xúc. Hai loại thuốc giải độc (natri nitrit và natri thiosulfate) thường được sử dụng để ngăn chặn tác động của ngộ độc xyanua nghiêm trọng. Các loại thuốc khác có thể cần thiết để kiểm soát các ảnh hưởng bổ sung tới sức khỏe của Xyanua chẳng hạn như co giật.
Những người gặp các dấu hiệu và triệu chứng nghiêm trọng cần được chăm sóc tích cực tại bệnh viện, đặc biệt là những người đã hôn mê. Bất kỳ sự chậm trễ nào cũng có thể dẫn đến tử vong.
Phòng tránh ngộ độc xyanua
Người đang làm việc trong các ngành nghề như khai thác mỏ, kim hoàn, làm nữ trang, sản xuất đồ nhựa, dọn vệ sinh chất thải công nghiệp…, cần tìm hiểu quy trình sản xuất và nguy cơ có khí hay chất sinh ra xyanua hay không. Trang bị bảo hộ lao động an toàn khi làm việc.
Với vật liệu xây dựng và trang trí nội thất hiện đại, nếu xảy ra hỏa hoạn, ngoài khí CO sẽ luôn có khí hydro cyanide. Nạn nhân vì vậy tử vong nhanh chóng trong đám cháy khi chưa kịp thoát ra ngoài. Do đó, cần để ý cách thoát thân nhanh khi sống ở nhà cao tầng, bịt mặt bằng khăn ướt khi chạy qua đám khói cháy.
Lột vỏ khoai mì và ngâm trong một ngày có thể loại bỏ lượng chất có xyanua khoảng 45%. Khi ăn măng cần luộc kỹ, bỏ nhiều lần nước luộc măng cho đến khi măng và nước hết đắng.
Chú ý không ăn hạt của quả táo, hạt quả mận Hà Nội, anh đào, hạt quả cherry, hạnh nhân đắng… Chú ý loại bỏ hạt khi xay, ép nước.