Trong các bản tin thời tiết, người dẫn chương trình thường nói “gió mùa Đông Bắc” mang theo khối không khí lạnh tràn xuống nước ta… Vậy, thuật ngữ “gió mùa Đông Bắc” có nghĩa là gì?
Trước hết, cần hiểu thuật ngữ “Gió mùa” là gì. Gió mùa tên tiếng Anh là Monsoon, có nguồn gốc từ thuật ngữ tiếng Ả Rập “Mawsim” (nghĩa là “mùa”).
Livescience định nghĩa, gió mùa là loại gió thổi theo mùa (ở thời gian nhất định) trong một khu vực. Theo Cục quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA), gió mùa phát sinh do sự chênh lệch nhiệt độ giữa đất liền và đại dương liền kề. Có hai loại gió mùa, bao gồm: gió mùa mùa đông và gió mùa mùa hè.
Gió mùa mùa hè thổi từ Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương tới đất liền, gây mưa và không khí mát mẻ; Trong khi đó, gió mùa mùa đông thổi từ đất liền châu Á ra biển, mang theo không khí lạnh có thể gây mưa, lạnh.
Các tên gọi: Gió mùa Đông Bắc được các nhà khí tượng gọi với nhiều tên khác nhau như: Gió mùa mùa đông, gió Đông Bắc.
Phạm vi có gió mùa Đông Bắc (chỉ tính riêng Việt Nam): Là Miền Bắc và Bắc Trung Bộ nước ta.
Ngoài ra, nó còn có tên gọi khác là “Gió chướng”. Đây là tên gọi địa phương của bà con nông dân ở Nam Bộ đối với gió mùa Đông Bắc và gió tín phong.
Gió mùa là loại gió thổi theo mùa (ở thời gian nhất định) trong một khu vực.
GS.TS Nguyễn Lân Dũng cho biết, vào mùa đông, nhiệt độ trên biển cao hơn nhiệt độ trên đất liền, mà không khí luôn chuyển động từ vùng không khí lạnh sang vùng không khí nóng.
Do đó, gió mùa mùa đông có nguồn gốc từ trung tâm áp cao Siberia thổi xuống, vào nước ta từ hướng Đông Bắc nên được gọi là gió mùa Đông Bắc.
Hiểu đơn giản, vào mùa đông, Miền Bắc chịu tác động của khối khí lạnh phương Bắc thổi theo hướng đông bắc, thường gọi là gió mùa Đông Bắc.
Nói thêm về gió mùa, gió mùa Tây Nam là khối không khí thổi từ biển vào đất liền. Gió có nguồn từ áp cao Nam Ấn Độ Dương. Gió có tính chất nóng ẩm, dễ gây mưa. Gió mùa Tây Nam hoạt động từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm.
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, tùy theo tình hình cụ thể của từng đợt không khí lạnh, có hoặc không kèm theo front lạnh, thì phát tin dự báo không khí lạnh theo các tiêu đề như sau:
Không khí lạnh có khả năng xâm nhập xuống nước ta, làm thay đổi căn bản hệ thống gió đã tồn tại từ trước thành gió hướng lệch bắc, gây ra gió mạnh từ cấp 6 trở lên và kéo dài quá 3 giờ ở trên Vịnh Bắc Bộ (và ngoài khơi Trung Bộ);
Hoặc khi không khí lạnh có khả năng xâm nhập đến miền Bắc nước ta, làm thay đổi căn bản hệ thống gió đã tồn tại từ trước thành gió hướng lệch về bắc (không xét tốc độ gió), đồng thời làm thay đổi rõ rệt về thời tiết ở một khu vực: chuyển đầy mây, diện mưa tăng lên đột ngột và nhiệt độ trung bình ngày giảm 3 – 5 độ trở lên đối với trên một nửa số trạm trong ít nhất một khu vực;
Hoặc làm thay đổi căn bản hệ thống gió đã tồn tại từ trước thành gió hướng lệch về bắc (không xét tốc độ gió), đồng thời gây mưa rào và dông diện rộng ở một khu vực, có thể có gió giật mạnh trên cấp 6 hay tố, lốc, mưa đá… và nhiệt độ tối cao giảm 5 – 7 độ trở lên đối với trên một nửa số trạm trong ít nhất một khu vực.
Tin gió mùa Đông Bắc được phát ra khi không khí lạnh có khả năng xâm nhập đến miền Bắc nước ta, làm thay đổi căn bản hệ thống gió đã tồn tại từ trước.
Được phát ra giống như khi phát gió mùa đông bắc kể trên, nhưng nếu thấy đợt không khí lạnh có khả năng làm cho nhiệt độ trung bình ngày ở vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ giảm xuống dưới 15 độ (rét đậm và rét hại) và có khả năng kéo dài từ 2 ngày trở lên.
Tin này được phát trong trường hợp có không khí lạnh tăng cường xuống nước ta. Trong khi ở các tỉnh phía bắc đang tồn tại không khí lạnh, hướng gió chưa thay đổi (vẫn gió hướng lệch bắc), nhưng tốc tộ gió đã tương đối suy yếu, ngoài khơi gió đã giảm xuống dưới cấp 5, nhưng khả năng có một đợt không khí lạnh khác, lại gây ra gió mạnh từ cấp 6 trở lên và kéo dài quá 6 giờ ở trên Vịnh Bắc Bộ (và ngoài khơi Trung Bộ).
Tin này được phát trong trường hợp có không khí lạnh tăng cường nhưng có khả năng làm cho nhiệt độ trung bình ngày ở vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ giảm xuống dưới 150C và có khả năng kéo dài từ 2 ngày trở lên.