Trong thế giới công nghệ ngày càng phát triển, các nhà lãnh đạo công nghệ đang sử dụng các công cụ đổi mới để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và đạt được lợi thế cạnh tranh. Việc kết hợp hoặc chuyển giao công nghệ đóng vai trò quan trọng trong quá trình này, giúp các tổ chức tạo ra sản phẩm tốt hơn một cách nhanh chóng hơn. Khi nhu cầu của thị trường và khách hàng thay đổi nhanh chóng, các doanh nghiệp phải tận dụng chuyển đổi số để duy trì tính cạnh tranh và phục vụ khách hàng tốt hơn. Công nghệ tiên tiến với định hướng toàn diện mới mang lại khả năng mở rộng, tính linh hoạt và khả năng tiếp cận, khiến nó trở thành một thành phần quan trọng cho sự tăng trưởng và đổi mới. Các doanh nghiệp không ngừng tìm kiếm cách thức để tăng tốc phát triển, đồng thời duy trì hoặc cải thiện chất lượng. Bằng cách khai thác sức mạnh của công nghệ, các tổ chức có thể thực hiện những thay đổi đáng kể mang lại lợi nhuận theo cấp số nhân.
Phát biểu tại hội thảo, ông Bob Jones – Phó Chủ tịch điều hành, Bộ phận kinh doanh toàn cầu của Siemens cho biết: “Thế giới đang thay đổi và những kỳ vọng của khách hàng cũng đang thay đổi. Theo dự đoán của Statista, chi tiêu trên toàn thế giới cho chuyển đổi số dự kiến sẽ đạt 3,4 nghìn tỷ USD vào năm 2026. Theo Gartner, 91% doanh nghiệp tham gia vào một số hình thức sáng kiến số và 87% lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao cho rằng số hóa là một ưu tiên. Cần biến phức tạp thành một lợi thế cạnh tranh. Và việc chuyển đổi số thành công bắt nguồn từ chiến lược của công ty”.
Ông Vũ Quốc Huy – Giám đốc NIC đánh giá Siemens là đối tác công nghệ tin cậy của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói chung và của NIC nói riêng, đồng hành trong việc phát triển hệ sinh thái ĐMST. Siemens và NIC sẽ tăng cường hợp tác để phát triển hệ sinh thái ĐMST Việt Nam, bao gồm tổ chức các chương trình đào tạo, tư vấn các chương trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, các đơn vị nghiên cứu, các cơ sở đào tạo. NIC sẽ kết nối Siemens với các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu và các cơ sở đào tạo để xây dựng giáo trình đào tạo định hướng Cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó đặc biệt có chương trình đào tạo kỹ sư thiết kế ngành bán dẫn, dưới sự hỗ trợ của Siemens. Chương trình này nằm trong đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn mà NIC đang triển khai giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.