Tuyến cao tốc được đầu tư 23.000 tỷ, mở cánh cửa giao thương của tỉnh miền núi VN với TQ hiện ra sao?

Tuyến cao tốc được đầu tư 23.000 tỷ, mở cánh cửa giao thương của tỉnh miền núi VN với TQ hiện ra sao?- Ảnh 1.
TIN MỚI
Tuyến cao tốc được đầu tư 23.000 tỷ, mở cánh cửa giao thương của tỉnh miền núi VN với TQ hiện ra sao?- Ảnh 1.

Tiến độ dự án 23.000 tỷ đồng

Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) là công trình thuộc nhóm A được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 8/2020 theo hình thức đối tác công – tư (PPP).

Đây là công trình PPP giao thông đầu tiên thực hiện theo Luật PPP. Chiều dài toàn tuyến khoảng 121 km, tổng vốn đầu tư hơn 23.000 tỷ đồng do liên danh Tập đoàn Đèo Cả – Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng ICV Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả – Công ty cổ phần Xây dựng Công trình 568 làm chủ đầu tư.

Dự án được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 được đầu tư hơn 93 km, tổng mức đầu tư 14.114 tỷ đồng, vốn ngân sách Nhà nước chiếm hơn 69%. Giai đoạn 2 sẽ đầu tư tiếp gần 28 km còn lại.

Tuyến cao tốc được đầu tư 23.000 tỷ, mở cánh cửa giao thương của tỉnh miền núi VN với TQ hiện ra sao?- Ảnh 2.

Phối cảnh cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh. Ảnh: Chủ đầu tư

Dự án khởi công ngày 1/1/2024. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng dự án đạt 93,6%, trong đó đoạn qua tỉnh Cao Bằng đạt 99%, đoạn qua tỉnh Lạng Sơn đạt 90%. Hai tỉnh đồng lòng phấn đấu đến hết tháng 12 sẽ bàn giao 100% mặt bằng của dự án.

Các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, nhà thầu thi công đã huy động 1.020 nhân sự, 357 máy móc thiết bị, triển khai 36 mũi đồng loạt tiếp cận, tổ chức thi công ngày đêm khi các phân đoạn mặt bằng được bàn giao.

Giai đoạn 1 có chiều dài 93,35 km, điểm đầu tại tại nút giao Cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) và điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 3 thuộc xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa (Cao Bằng). Tuyến được thiết kế theo tiêu chuẩn TCVN 5729-2012, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, bề rộng mặt cắt ngang nền đường 17m đối với các đoạn thông thường và 13,5 m đối với các đoạn phức tạp. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 14.300 tỷ đồng.

Dự kiến tổng sản lượng trong năm 2024 đạt 1.010 tỷ đồng, tổng giải ngân các nguồn vốn đạt 2.000 tỷ đồng. Mục tiêu thông tuyến trong năm 2025 để hoàn thành toàn bộ dự án vào cuối năm 2026.

Giai đoạn 2 của dự án dự kiến sẽ đầu tư sau năm 2026. Quy mô giai đoạn 2 đầu tư khoảng 27,71 km còn lại (từ điểm cuối giai đoạn 1 tại Km 93+350 đến điểm cuối tại ranh giới Khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh).

Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Cao Bằng đến Hà Nội và ngược lại từ 6-7 giờ xuống còn khoảng 3,5 giờ.

Tầm quan trọng của dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh

Cao Bằng là tỉnh miền núi với hơn 333 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, có vị trí chiến lược quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có rất nhiều lợi thế để phát triển kinh tế – xã hội.

Từ Cao Bằng, muốn tiếp cận các thành phố lớn khác chỉ có 2 tuyến quốc lộ là: Quốc lộ 3 (Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng) và quốc lộ 4A (Hà Nội – Lạng Sơn – Cao Bằng). Thời gian di chuyển từ 6 – 7 giờ, qua những khu vực địa hình quanh co, hiểm trở.

Bên cạnh đó, Cao Bằng có vị trí nằm ở cửa ngõ giao thương hàng hóa từ Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và các tỉnh Tây, Tây Nam Trung Quốc ra biển và đến các nước ASEAN. Hiện nay, Cao Bằng có nhiều cặp cửa khẩu trên toàn tuyến biên giới giữa hai nước, tạo ra nhiều tiềm năng, lợi thế để trao đổi sản phẩm, hàng hóa, nhất là hàng nông sản…

Tuyến cao tốc được đầu tư 23.000 tỷ, mở cánh cửa giao thương của tỉnh miền núi VN với TQ hiện ra sao?- Ảnh 3.

Dự án đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh được kỳ vọng sẽ mở cánh cửa giao thương tiếp giáp với Trung Quốc, sớm đưa Cao Bằng trở thành cửa ngõ kết nối các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc với các tỉnh lân cận Cao Bằng – Lạng Sơn – Hà Nội đi Hải Phòng; các tỉnh phía Nam Việt Nam kết nối với các tỉnh Bắc Kạn – Thái Nguyên – Hà Nội, kết nối với tỉnh Hà Giang – Tuyên Quang và các tỉnh phía Tây Bắc Việt Nam.

Trong tương lai, hình thành tuyến vận tải hướng Nam kết nối ASEAN đi Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Quý Châu (Trung Quốc) sang Trung Á và châu Âu. Đồng thời, đảm bảo giao thương thuận lợi, nâng cao hiệu quả đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng kết nối khu vực nói riêng.

Ngoài ra, dự án giúp kết nối các trục ngang tuyến trong mạng lưới hệ thống đường cao tốc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển của tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế khu vực phía Bắc, tạo dư địa, động lực, không gian phát triển cho toàn vùng Đông Bắc với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.