Từ chuyện doanh nhân gốc Việt bán DN 10 tỷ USD cho ông lớn Mỹ đến yếu tố ‘then chốt của then chốt’ để Việt Nam nâng vị thế trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu

Từ chuyện doanh nhân gốc Việt bán DN 10 tỷ USD cho ông lớn Mỹ đến yếu tố ‘then chốt của then chốt’ để Việt Nam nâng vị thế trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu- Ảnh 1.

TIN MỚI

TS. Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận định có một số yếu tố chủ chốt để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Trong đó, “Nhân lực” là yếu tố “then chốt của then chốt”.

Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” đã được Thủ tướng phê duyệt tháng 9/2024 đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ đào tạo và phát triển ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên, tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi như thiết kế vi mạch, đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn.

Chia sẻ tại chương trình đối thoại “Nâng tầm Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu”, ông Hoài cho biết một trong những yếu tố cơ sở phát triển nguồn nhân lực Việt Nam là những chuyên gia người Việt ở nước ngoài, những người gốc Việt xuất sắc tham gia sâu trong công tác nghiên cứu và phát triển tại các tập đoàn công nghệ và đại học lớn.

Ông Lợi Nguyễn – Phó Chủ tịch cấp cao Marvell Technology – là một trong những nhân tố đó. Tháng 4/2021, ông lớn bán dẫn Mỹ Marvell Technology công bố hoàn tất thương vụ mua lại Inphi với mức 10 tỷ USD. Các cổ đông của Inphi, bao gồm Cofounder Lợi Nguyễn, sở hữu tổng cộng 17% cổ phần Marvell sau thương vụ. Marvell đã cam kết đưa Việt Nam thành một trong những trung tâm thiết kế chip hàng đầu của tập đoàn.

Từ chuyện doanh nhân gốc Việt bán DN 10 tỷ USD cho ông lớn Mỹ đến yếu tố ‘then chốt của then chốt’ để Việt Nam nâng vị thế trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu- Ảnh 1.

Ông Lợi Nguyễn là Phó Chủ tịch cấp cao của Marvell.

“Có rất nhiều người Việt xuất sắc”, TS. Hoài nói. NIC cũng đã thành lập Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam nhằm phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài trong phát triển kinh tế – xã hội.

Mạng lưới tập hợp được những quản lý cấp cao tại các tập đoàn lớn như Phùng Kim Cương, Minh Đỗ ở NASA, các doanh nhân công nghệ của startup chục triệu USD như Tuấn Đinh, Hiệp Nguyễn, Tuấn Cao, và cả những thành viên đã có gần 20 bằng sáng chế được Chính phủ Hoa Kỳ bảo hộ như Công Trịnh.

Sau 5 năm thành lập, hiện có 10 mạng lưới thành phần tại Đức, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc), Canada, Singapore, Bờ Tây và Bờ Đông Hoa Kỳ, với khoảng hơn 2.000 thành viên.

Sở hữu hơn 200 bằng sáng chế và hàng trăm bài báo khoa học về đề tài làm chủ ngành công nghiệp bán dẫn, TS. Nguyễn Thị Bích Yến – chuyên gia cao cấp Tập đoàn Soitec (Hoa Kỳ) – nhìn nhận bán dẫn là cơ hội, và cơ hội đến, đi đều rất nhanh.

Từ chuyện doanh nhân gốc Việt bán DN 10 tỷ USD cho ông lớn Mỹ đến yếu tố ‘then chốt của then chốt’ để Việt Nam nâng vị thế trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu- Ảnh 2.

“Cơ hội đến như một con tàu, muốn đến đích phải đi lên con tàu đó, vào thời điểm đó. Nếu để trễ phải đón một chuyến tàu khác, đi đến đích khác”, TS. Yến nói và nhấn mạnh tầm quan trọng của khâu thực thi khi đã có chính sách, cơ chế hỗ trợ.

Để thu hút doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn, Phó Giám đốc NIC Võ Xuân Hoài nhìn nhận thể chế, cơ chế chính sách là một yếu tố hết sức quan trọng, mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều cần có những cơ chế đặc thù.

“Thứ nhất là cơ chế một cửa nhanh, gọn cho các nhà đầu tư gia nhập. Thứ hai, hầu hết các quốc gia đều có cơ chế hỗ trợ tiền mặt cho các nhà đầu tư”.

“Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo và trình Chính phủ nghị định về thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư, trong đó có các hỗ trợ và ưu đãi bao gồm đầu tư ban đầu cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn cũng như trí tuệ nhân tạo (AI). Đây sẽ là hành lang pháp lý rất tốt và phù hợp với bối cảnh hiện nay để thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao”, ông Hoài nói.

Một yếu tố quan trọng khác để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, theo ông Hoài, là hệ sinh thái. Thời gian qua, NIC với sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phối hợp với các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới và trong nước như Cadence, Qorvo, Marvell, FPT, Viettel, Soitec… để phát triển nguồn nhân lực cũng như xây dựng hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Tới đây, NIC cũng phối hợp với Hiệp hội Bán dẫn toàn cầu (SEMI) tổ chức triển lãm bán dẫn đầu tiên tại Việt Nam với sự tham gia của các tập đoàn công nghệ bán dẫn lớn trên thế giới và Việt Nam như Global Foundries, Amkor, AMD, Lam Research, Coherent, Cadence, KLA, Synopsys, Intel, Marvell, Onsemi Qorvo, FPT… với khoảng 5.000 đại biểu tham dự.

“Có những doanh nghiệp đã tham gia sâu vào thị trường Việt Nam. Điều đó cho thấy bên cạnh hệ sinh thái về ngành điện tử khá đa dạng và được đánh giá mạnh, hệ sinh thái của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam cũng đã được hình thành”, TS. Hoài nhìn nhận.