Khai phá tiềm năng
Ngành công nghiệp bán dẫn là một trong những ngành công nghiệp quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới. Lĩnh vực này đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển nền kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với sự ra đời của trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn… trong đó, công nghệ vi mạch bán dẫn là phần cốt lõi, xương sống của ngành công nghiệp này. Công nghệ vi mạch bán dẫn sẽ tập trung vào thiết kế, sản xuất và kiểm tra, đóng gói các vi mạch tích hợp (chip) nhằm giảm kích thước, tăng tính ổn định và hiệu suất cho các thiết bị điện tử…
Hiện nay, với sự phát triển ổn định về kinh tế và chính trị, Việt Nam đã và đang hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Đặc biệt, nằm ở vị trí trung tâm của khu vực Đông Nam Á, Việt Nam sở hữu vị trí chiến lược trong chuỗi vận chuyển cung ứng toàn cầu và là địa điểm lý tưởng cho các nhà sản xuất muốn gia nhập thị trường bán dẫn đang phát triển nhanh trong khu vực. Bên cạnh đó, Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, được đào tạo trong nhiều lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn. Đặc biệt, với những cơ chế ưu đãi của Chính phủ cho ngành công nghiệp bán dẫn thời gian qua… đã tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam ngày càng thu hút nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan… sang tìm kiếm cơ hội hợp tác và đầu tư.
Xác định vi mạch là một lĩnh vực quan trọng, Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư và phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn nhằm đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất bán dẫn toàn cầu. Mới đây, ngày 28/10/2023 tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Lễ khánh thành cơ sở hoạt động mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư và khai mạc Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2203). Tại sự kiện, Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ/ngành có liên quan xây dựng kế hoạch hành động và chiến lược để phát triển ngành này ở Việt Nam. Đặc biệt là xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư cho ngành bán dẫn đến năm 2030.
Công nghệ vi mạch bán dẫn sẽ được Trường Đại học KH&CN Hà Nội (USTH) tuyển sinh và đào tạo từ năm 2024.
PGS.TS. Nguyễn Văn Quỳnh – Đồng Trưởng khoa Khoa Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano cho biết, chương trình đào tạo ngành công nghệ vi mạch bán dẫn sẽ được giảng dạy bằng tiếng Anh, nhằm trang bị cho sinh viên từ kiến thức, kỹ năng chuyên ngành, đến trình độ tiếng Anh thành thạo và kỹ năng mềm để tự tin gia nhập thị trường bán dẫn toàn cầu. Đặc biệt, chương trình đào tạo sẽ có sự tham gia giảng dạy của các giáo sư, chuyên gia người Pháp đến từ các trường đại học trong và ngoài Liên minh các trường đại học, tổ chức nghiên cứu Pháp, cũng như các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các viện chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.
Để đảm bảo chất lượng đào tạo, Khoa Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano đã đầu tư hệ thống phòng thí nghiệm đồng bộ từ thiết kế, chế tạo đến kiểm tra đo đạc, đánh giá đặc tính của vật liệu hiện đại như: các phòng thí nghiệm chế tạo vật liệu bằng phương pháp bốc bay vật liệu màng mỏng dùng chùm điện tử, hệ quang khắc bằng chùm tia UV, hệ đo điện trở 4 mũi dò, hệ CNC mini phay mạch PCB điện tử, hệ hàn dán tự động, tay robot gắp linh kiện, hệ hàn nhúng nhiệt và các thiết bị phát nguồn điều khiển đa năng; các máy phát xung; hệ thống máy đo đạc tín hiệu điện tử…
Hy vọng rằng, với sự đầu tư bài bản cho cơ sở vật chất, trang thiết bị cùng đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao, sáng tạo và nhiệt huyết, Khoa Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano nói riêng, Trường Đại học KH&CN Hà Nội nói chung đã sẵn sàng chào đón các sinh viên ngành học công nghệ vi mạch bán dẫn, thiết thực đóng góp cho sự phát triển KH&CN đất nước.
Xuân Diện