Toà nhà bằng gỗ 100 mét cao nhất thế giới sắp được triển khai và cơ hội mới cho ngành gỗ Việt Nam

Toà nhà bằng gỗ 100 mét cao nhất thế giới sắp được triển khai và cơ hội mới cho ngành gỗ Việt Nam- Ảnh 1.
TIN MỚI

Rocket&Tigeli – một công trình nhà gỗ cao tầng vừa hoàn tất khâu nghiên cứu, thiết kế và đã nộp hồ sơ đăng ký xây dựng.

“Sau khi được hoàn tất đưa vào sử dụng, đây sẽ là tòa nhà gỗ cao nhất thế giới với độ cao 100 mét, phá kỷ lục của tòa nhà Mjøstårnet ở Na Uy (85,4 m). Công trình sẽ là biểu trưng cho khả năng ứng dụng vật liệu thân thiện với môi trường là gỗ vào xây dựng”, ông Thomas Gass – Đại sứ Thuỵ Sĩ tại Việt Nam – chia sẻ tại buổi gặp gỡ trong khuôn khổ Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) diễn ra tại Tp.HCM.

Theo ngài đại sứ, tại châu Âu xu hướng sử dụng vật liệu Gỗ trong xây dựng đã và đang được đón nhận nhiều hơn. Riêng tại Thụy Sĩ, hàng trăm cây cầu và công trình dân dụng bằng gỗ đã và đang được đưa vào sử dụng.

Nhờ ứng dụng giải pháp cấu kiện gỗ Glulam, LVL, CLT (Cross Laminated Timber – gỗ ép chéo) cũng như nhiều công nghệ chế biến khác, gỗ và tre đang đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe trong xây dựng, tương thích với vật liệu truyền thống như xi măng, sắt thép.

Nhờ đó, đem lại những giá trị mới, cơ hội mới, đặc biệt là việc góp phần đáng kể để hoàn thành các mục tiêu giảm phát thải carbon, đóng góp vào phát triển bền vững chung.

Đồng quan điểm, ông Võ Quang Hà, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (DOWA) cho biết, Việt Nam đã có truyền thống sử dụng gỗ trong xây dựng từ lâu và hiện vẫn còn rất nhiều nhà gỗ đang được sử dụng. Tuy nhiên, những công trình này chủ yếu sử dụng gỗ tự nhiên.

Việc đi theo các kiến trúc hiện đại, vật liệu phổ biến như sắt thép, bê tông, nhôm kính… đã khiến thị trường Việt Nam quên đi cách thiết kế và không theo kịp thế giới về tiềm năng của vật liệu Gỗ kết cấu.

“Vấn đề lớn là hiện nay Việt Nam dường như vẫn đang đứng ngoài xu hướng đang gia tăng mạnh mẽ trong việc sử dụng vật liệu gỗ kết cấu vào các công trình xây dựng toà nhà cao tầng với ý nghĩa về trung hoà carbon, thay thế dần và thay thế phần nào cho các vật liệu phát thải lớn ”, ông Hà nói.

Theo ông Hà, từ những năm 1980, Việt Nam đã chấm dứt khai thác gỗ rừng, đóng cửa rừng tự nhiên và tiến hành trồng rừng. Đến nay, mỗi năm Việt Nam khai thác được khoảng 5 triệu ha gỗ tràm.

Hiện, rừng trồng đang tạo sinh kế và việc làm cho 1,4 triệu hộ dân nhưng giá trị gia tăng của rừng thấp, do chủ yếu khai thác sớm, phục vụ làm dăm gỗ, viên nén. Nếu theo kịp xu hướng phát triển sản phẩm CTL, Glulam… sẽ gia tăng thêm giá trị cho gỗ rừng trồng, đồng thời góp phần giảm phát thải cho ngành xây dựng. Đây là giải pháp cả hai ngành cùng có lợi.

Toà nhà bằng gỗ 100 mét cao nhất thế giới sắp được triển khai và cơ hội mới cho ngành gỗ Việt Nam- Ảnh 1.

Ảnh: Đại sứ Thuỵ Sĩ tại Việt Nam chia sẻ tại buổi gặp gỡ trong khuôn khổ Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) diễn ra tại Tp.HCM.

Cũng tham gia chia sẻ, đánh giá cao khả năng ứng dụng gỗ và tre vào xây dựng lẫn sản xuất nội thất, ông Nguyễn Quốc Khanh, chủ tịch Tập đoàn AA, đơn vị chuyên thực hiện các công trình nhà hàng, khách sạn, du thuyền… cho thị trường thế giới cho biết, xu hướng sử dụng vật liệu thân thiện, phát triển bền vững đang được đón nhận mạnh mẽ.

Nếu tạo lập được nhu cầu từ phía các khách hàng, chủ đầu tư, việc ứng dụng công nghệ mới để xử lý gỗ và đưa gỗ trở thành một vật liệu xây dựng toà nhà cùng với xi măng, sắt thép là một con đường mới giúp ngành gỗ có thể chuyển đổi lên các phân khúc cao hơn, đem lại giá trị và hiệu quả sử dụng nguồn lực gỗ tốt hơn.

Mặt khác, gỗ kỹ thuật còn có thể giúp ngành xây dựng nói chung và vật liệu xây dựng nói riêng cơ hội chuyển đổi xanh hơn, tạo ra năng suất và giá trị gia tăng cao hơn cho cả hai ngành.

Tuy đã dần phổ biến tại các công trình điểm nhấn trên thế giới, nhưng để gỗ và tre có thể phổ biến hơn với thị trường Việt Nam dùng thì cần có được chiến lược tiếp cận lâu dài, thay đổi nhận thức lẫn tạo được nhu cầu từ phía khách hàng, chủ đầu tư.

Cùng với đó, còn là câu chuyện giá thành vật liệu cũng như việc xây dựng, phát triển triển mạng lưới nhà cung cấp, đơn vị thi công có năng lực, công nghệ phù hợp.

Với kinh nghiệm đã hỗ trợ nhiều ngành công nghiệp chế biến ở Việt Nam, bà Gulmira Asanbaeva, Giám đốc Dự án Hệ sinh thái Năng suất cho việc làm bền vững của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho rằng, việc phát triển vật liệu gỗ vào ngành nội thất và ngành xây dựng cần phải tiếp cận theo Hệ sinh thái cho phát triển ngành.

Hiện, doanh nghiệp (DN) Việt Nam chủ yếu chỉ có thể tập trung ở trung nguồn (mid-stream) là khâu sản xuất theo đơn hàng được đặt trước. Việc những thiếu hụt các hoạt động ở khu vực thượng nguồn, từ việc thiết kế và phát triển sản phẩm và cuối nguồn, với công tác marketing, và phân phối, phát triển thị trường… khiến ngành đang khó theo kịp các thị trường sản phẩm bền vững cũng như các xu hướng công nghệ cho phát triển bền vững.

“Việc ứng vật liệu gỗ mới rất cần có sự chung sức từ các công ty tiên phong, đến kiến trúc sư, đơn vị xây dựng chỉ dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn sử dụng vật liệu, và nhất là các hiệp hội. Sự chung sức này chính là nhân tố cốt lõi của phương thức tiếp cận hệ sinh thái , bà Gulmira Asanbaeva tư vấn.

Toà nhà bằng gỗ 100 mét cao nhất thế giới sắp được triển khai và cơ hội mới cho ngành gỗ Việt Nam- Ảnh 2.

Ảnh: số liệu thực trạng ngành chế biến gỗ Việt Nam theo phân tích của Sippo.

Theo đại diện của ILO, trong hệ sinh thái, vai trò của các Hiệp hội là vô cùng quan trọng, kết nối giữa thực tiễn và chính sách, cung cấp thông tin cập nhật, khách quan nhất tới các DN hội viên để có thể phát triển thị trường theo sát xu thế chung cùng với thị trường toàn cầu, góp phần giúp các DN của ngành không bị tụt lại phía sau.