Theo số liệu mới nhất về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư), tính đến hết tháng 10 năm 2024, tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 27,26 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo đó, trong 10 tháng năm 2024, cả nước ghi nhận có 2.743 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 1,4% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt gần 12,23 tỷ USD (giảm 2,5% so với cùng kỳ); 1.151 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 6% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 8,35 tỷ USD (tăng 41,7% so với cùng kỳ). Ngoài ra, số lượng giao dịch góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư FDI đạt 2.669 giao dịch (giảm 10,4% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,68 tỷ USD (giảm 29% so với cùng kỳ).
Xét theo địa bàn đầu tư, báo cáo cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 55 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 10 tháng năm 2024. Trong đó Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 4,7 tỷ USD, chiếm 17,2% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp 3,15 lần cùng kỳ.
Theo Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh, từ đầu năm đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã và đang đẩy mạnh xúc tiến đầu tư nước ngoài. Cụ thể, về xúc tiến đầu tư tại chỗ, tỉnh đã chủ động gặp gỡ và làm việc với các doanh nghiệp lớn đầu tư tại địa phương để thúc đẩy mở rộng quy mô sản xuất và kêu gọi doanh nghiệp vệ tinh, như: Tổ hợp Samsung Việt Nam, công ty TNHH Canon Việt Nam, các doanh nghiệp Trung Quốc đại lục, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản tiêu biểu,…
Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh và các Sở, ngành chức năng đã tiếp nhiều đoàn doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội, nhằm trao đổi hợp tác, xúc tiến đầu tư vào Bắc Ninh như: Tập đoàn Công nghệ CMC (Việt Nam), đoàn doanh nghiệp Cộng hòa Liên bang Đức, Công ty Kine SIC Semi (Mỹ), Cộng hòa Séc, Cộng hòa Hungary,…
“Với môi trường đầu tư thông thoáng, cơ sở hạ tầng hiện đại, nguồn lao động tại chỗ và nhập cư lớn, Bắc Ninh đã và đang khẳng định được vị thế của mình là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư”, Cục Thống kê Bắc Ninh cho hay.
Kết quả, theo Cục Thống kê Bắc Ninh, trong 10 tháng năm 2024, thu hút đầu tư của tinh đạt kết quả vượt bậc. Không chỉ số lượng dự án và số vốn đầu tư gia tăng mạnh, mà làn sóng đầu tư từ các nền kinh tế lớn tại khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm, chất bán dẫn cũng đang có xu hướng gia tăng. Điều này càng khẳng định rõ nét những thay đổi đáng kể về chất trong thu hút vốn FDI vào Bắc Ninh.
Tính từ đầu năm đến 20/10, toàn tỉnh đã thu hút được 348 dự án FDI đăng ký cấp mới (tăng 40 dự án, tức tăng 13% so với cùng kỳ, trong đó các nhà đầu tư chủ yếu đến từ Trung Quốc đại lục 220 dự án; Hồng Kông (Trung Quốc) 39 dự án; Singapo 38 dự án); vốn đăng ký mới đạt 1.591,2 triệu USD (tăng 683,2 triệu USD, tức tăng 75,2%).
Ngoài ra, điều chỉnh vốn cho 162 dự án (tăng 35 dự án, tức tăng 27,6%), với số vốn điều chỉnh tăng là 2.725,6 triệu USD, (tăng 2.254,2 triệu USD, tức tăng 478,2%); góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp 32 lượt (giảm 23 lượt, giảm 41,8%) với giá trị là 52,1 triệu USD (tăng 30,6 triệu USD, tức tăng 142,5%); thu hồi 71 dự án (tăng 19 dự án, tức tăng 36,5%) với tổng vốn đầu tư là 81,3 triệu USD (giảm 14,3 triệu USD, tức giảm 14,9%).
Riêng trong tháng 10, tỉnh đã cấp mới đăng ký đầu tư cho 9 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 23 triệu USD; điều chỉnh vốn cho 15 dự án với số vốn điều chỉnh tăng là 41,9 triệu USD; 1 lượt ra thông báo chấp thuận góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế với giá trị là 0,4 triệu USD; chấm dứt hoạt động 6 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 4,26 triệu USD.
Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 2.415 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư được cấp phép đạt 29.351 triệu USD
Bên cạnh Bắc Ninh, trong 10 tháng năm 2024, với tổng vốn FDI đăng ký đạt gần 2,1 tỷ USD (chiếm 7,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 12,7% so với cùng kỳ), TP Hồ Chí Minh là địa phương có lượng vốn FDI đăng ký cao thứ hai cả nước. Quảng Ninh đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,98 tỷ USD, chiếm 7,2% tổng vốn đầu tư cả nước. Tiếp theo lần lượt là Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Hà Nội,…
Nếu xét về số dự án, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (chiếm 41,9%) và góp vốn, mua cổ phần (chiếm 70,9%). Hà Nội dẫn đầu về số lượt dự án điều chỉnh vốn (chiếm 14,3%).
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư FDI tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư,…) như Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Hà Nội, Đồng Nai, Bắc Giang, Ninh Thuận. Riêng 10 địa phương này đã chiếm 79,9% số dự án mới và 70,9% số vốn đầu tư của cả nước trong 10 tháng.
Đáng chú ý, nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn trong 10 tháng.
Tính lũy kế đến tháng 10 năm 2024, cả nước có 41.501 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 492,26 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt gần 316,76 tỷ USD, bằng 64,3% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.