Những “ngôi sao” đang lên
Bắc Giang ghi nhận tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm đạt 14,14%, cao nhất cả nước, bỏ xa các địa phương tiếp theo như Khánh Hòa, Thanh Hóa. Công nghiệp – xây dựng tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao, là động lực chính tác động đến tăng trưởng chung của tỉnh. Khu vực này chiếm tỷ trọng gần 73% quy mô giá trị tăng thêm toàn tỉnh.
Vị trí dẫn đầu cả nước về tăng trưởng GRDP tiếp tục được tỉnh này duy trì sang năm thứ hai liên tiếp. Trước đó, năm 2022, Bắc Giang đã ở vị trí thứ 2. Theo đánh giá của nhà đầu tư, doanh nghiệp trong xếp hạng chỉ số cạnh tranh năm lực cấp tỉnh (PCI) 2023, Bắc Giang đứng thứ 4 cả nước, nhiều năm qua đã duy trì vị trí trong top 5.
Ở chiều ngược lại, Bà Rịa – Vũng Tàu đứng vị trí “bét bảng” 63/63
Dù không xếp hạng cao, nhưng một trong những địa phương có sự vươn lên đáng chú ý là Bắc Ninh. Hồi quý I, GRDP của tỉnh này giảm 3,52% so với cùng kỳ, và bước sang quý II ghi nhận bước nhảy vọt, tăng trưởng trở lại 8,06%. Qua đó, tăng trưởng nửa đầu năm của Bắc Ninh đạt mức 2,32% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, Bắc Ninh cũng là tỉnh đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhờ đăng ký điều chỉnh thêm gần 1,5 tỷ USD trong những tháng gần đây, Bắc Ninh đã vượt qua Bà Rịa – Vũng Tàu và Quảng Ninh với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,5 tỷ USD, tăng hơn 3 lần cùng kỳ và chiếm gần 17% tổng vốn đầu tư cả nước.
Trong top 5 tăng trưởng cao nhất, ngoại trừ Hải Phòng (tăng trưởng 10,32% – cao thứ 5 cả nước), nhóm các thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục vắng mặt. Tuy nhiên, TPHCM (tăng trưởng 6,46%) có bước cải thiện đáng kể khi vượt lên trên Hà Nội (tăng trưởng 6%), còn Cần Thơ (tăng trưởng 5,73%) và Đà Nẵng (tăng trưởng 5%) ở nửa cuối bảng xếp hạng.
Các “đầu tàu” tìm lại chính mình
Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Duy Bình – Giám đốc điều hành Economica Việt Nam (tổ chức tư vấn, nghiên cứu kinh tế) – nhận định, dù chiếm tỷ trọng lớn đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội ( GDP ), nhưng tốc độ tăng trưởng của các thành phố lớn, “đầu tàu” kinh tế chưa đạt kỳ vọng. Tuy nhiên, tăng trưởng của TPHCM, Đà Nẵng đã hồi phục đáng kể, và cần thêm thời gian cho các thành phố này lấy lại vai trò đầu tàu. Trước đó, năm 2021, TPHCM rơi vào tăng trưởng âm đáng báo động. 6 tháng đầu năm nay, TPHCM đạt tốc độ tăng trưởng gần 6,5%, xếp thứ 31 cả nước, vượt lên trên Hà Nội.
Theo ông Bình, 6 tháng cuối năm còn nhiều dư địa cho kỳ vọng tăng trưởng cao hơn của các thành phố lớn. Với TPHCM, chuyên gia cho rằng, động lực đến từ việc đẩy mạnh đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân. Quyết tâm giải ngân đầu tư công của TPHCM được người đứng đầu thành phố mạnh mẽ khẳng định tại phiên họp thường kỳ tháng 6 vừa qua.
Thông tin tại họp báo kinh tế – xã hội diễn ra mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho hay: “Trong 6 tháng cuối năm phải tập trung mọi nỗ lực, tìm mọi giải pháp thúc đẩy cho được tăng trưởng, mục tiêu là quý III phải tăng 7% trở lên, cố gắng đạt 8% ở quý 4, trong đó phải tập trung mạnh mẽ cho các giải pháp để giải ngân vốn đầu tư công”. TPHCM đã có tổ chuyên trách họp hàng ngày để lắng nghe, tháo gỡ các khó khăn trong đầu tư công.
Địa phương có thể mạnh từ khai thác dịch vụ , du lịch như Đà Nẵng cũng được kỳ vọng bứt phá sau mùa cao điểm du lịch, lễ hội pháo hoa. Sáu tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ, dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành của Đà Nẵng đều nằm trong nhóm tăng trưởng cao nhất cả nước.
Xếp hạng cao nhất 5 thành phố trực thuộc trung ương về tăng trưởng GRDP, ông Bình cho rằng, Hải Phòng đang hưởng lợi tốt từ lợi thế FDI. Sáu tháng đầu năm, thành phố thu hút hơn 1 tỷ USD vốn FDI, có nhiều “ông lớn” công nghệ cao, sản xuất điện tử đặt nhà máy tại đây. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng tăng vượt bậc. Điện tử, máy tính, linh kiện, điện thoại là những mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất, hàng chục tỷ USD.
Trong khi đó, Bà Rịa – Vũng Tàu dù dẫn đầu cả nước về tổng vốn FDI đăng ký (hơn 1,52 tỷ USD), nhưng lại là địa phương tăng trưởng kinh tế thấp nhất cả nước sau 6 tháng đầu năm. Bình luận về vấn đề này, ông Bình cho rằng, để đánh giá hiệu quả của khu vực FDI vào tăng trưởng kinh tế, ngoài số vốn, cần quan sát cơ cấu ngành, tỷ trọng đầu tư của FDI vào các lĩnh vực.
Trái ngược với Hải Phòng tăng trưởng mạnh nhờ lợi thế xuất khẩu hàng điện tử của các nhà máy FDI, vốn nước ngoài đầu tư vào Bà Rịa – Vũng Tàu chủ yếu trong lĩnh vực dầu khí, một số nhà máy lớn. Nhóm này chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động của thị trường thế giới, tác động đến nguồn thu, tăng trưởng kinh tế địa phương.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hạnh – Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê, những tỉnh, thành phố đạt tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất trong 6 tháng đầu năm là những địa phương có đóng góp lớn của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của 56 địa phương ghi nhận tăng trưởng. Lai Châu, Phú Thọ, Bắc Giang, Bình Phước, Hà Nam, Hải Phòng là những địa phương có IIP tăng cao.
Cùng với kỳ vọng bứt tốc của các ngành, địa phương trong nửa cuối năm, Tổng cục Thống kê cho rằng khả năng Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 trong khoảng 6-6,5%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng cận trên khoảng 6,5% vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.