Nhiếp ảnh gia Christian Åslund sốc trước sự khác biệt giữa những gì anh nhìn thấy vào năm 2002 và khung cảnh anh phải đối mặt vào mùa hè năm nay.
Đứng dưới ánh nắng chói chang trên một quần tại vùng Bắc Cực, nhiếp ảnh gia (NAG) người Thụy Điển Christian Åslund kinh ngạc khi nhận ra sông băng Svalbard (Na Uy) mà ông đã ghé thăm lần cuối vào năm 2002 gần như đã biến mất hoàn toàn.
NAG người Thụy Điển sững sờ trước khung cảnh thay đổi đáng kinh ngạc của sông băng ở Svalbard. (Ảnh: Christian Åslund/Greenpeace).
Hai thập kỷ trước, tổ chức Greenpeace đã yêu cầu Åslund tham khảo những bức ảnh chụp sông băng ở Svalbard vào đầu thế kỷ 20 và quay lại chụp những góc ảnh tương tự để ghi lại sự tan chảy của các tảng băng do biến đổi khí hậu. Sự khác biệt về mật độ băng trong những bức ảnh được chụp cách nhau một thế kỷ đã khiến người xem choáng váng.
Mùa hè năm nay, Åslund đã quay lại những địa điểm đó một lần nữa sau 22 năm và phát hiện ra các sông băng đã thu hẹp lại rõ rệt.
“Vào năm 2002, biến đổi khí hậu chưa được biết đến nhiều như bây giờ, vì vậy chúng tôi đã thực sự bị sốc khi chứng kiến điều đó”, ông nói. “Lần này, tôi không biết phải mong đợi điều gì khi quay trở lại. Tuy nhiên khi nhìn thấy các sông băng, chúng tôi thực sự nhận ra sự khác biệt trong 22 năm qua. Một lượng lớn băng từ các sông băng đã biến mất”.
Tốc độ tan chảy nhanh chóng của sông băng khiến nó gần như biến mất. (Ảnh: Christian Åslund/Greenpeace).
“Thật đáng buồn”, Åslund nói, “đặc biệt khi bạn cầm bức ảnh lịch sử trên tay và thấy cả một vùng vịnh từng được tạo thành từ những tảng băng và là nơi các sông băng gặp nhau giờ đây gần như đã biến mất”.
Thời tiết trong chuyến thăm của ông cũng ấm áp một cách đáng kinh ngạc. “Khi chúng tôi đến, đó là tháng nóng nhất từng được ghi nhận tại khu vực này. Bạn đang đứng ở vùng Bắc Cực chỉ với áo phông trong khi các tảng băng gần như biến mất, thật buồn. Bắc Cực đang nóng lên với tốc độ rất nhanh. Tôi đã dự đoán về sự thu hẹp của các tảng băng, nhưng không ngờ tịnh trạng lại tồi tệ đến thế. Đó là một cú sốc”, Åslund chia sẻ với The Guardian.
Mùa hè này, các sông băng ở Svalbard tan chảy với tốc độ nhanh nhất kể từ khi có số liệu ghi chép. Theo nghiên cứu từ Đại học Lìege, Svalbard đã mất khoảng 55 mm nước trong một ngày – tốc độ này lớn hơn bình thường gấp năm lần.
Những tảng băng khổng lồ giờ chỉ còn lại vài mảnh băng trôi. (Ảnh: Christian Åslund/Greenpeace).
Nếu toàn bộ dải băng này tan chảy hoàn toàn, mực nước biển sẽ tăng lên 1,7 cm. Nhưng điều đáng lo ngại là nhiệt độ ở đây đã tăng vọt cao hơn hầu hết nơi trên thế giới; ước tính nhiệt độ ở Svalbard đã tăng 4°C trong 30 năm qua
Tuy nhiên, Åslund vẫn kiên định giữ niềm hy vọng. “Tôi không cảm thấy bất lực vì chúng ta có hy vọng rằng chúng ta có thể xoay chuyển tình thế. Không ai có thể làm mọi thứ nhưng mỗi cá nhân đều có thể làm những việc nhỏ để ngăn chặn biến đổi khí hậu. Đóng góp của tôi là làm nổi bật những gì thực sự đang xảy ra ở đó. Nó dễ thấy hơn so với hầu hết nơi khác trên Trái Đất vì băng đang tan chảy với tốc độ nhanh chóng. Nó sẽ tiếp tục tan chảy cho đến khi chúng ta thực hiện những hành động quyết liệt để ngăn chặn điều này”.
NAG “chết lặng” sau 22 năm quay trở lại thăm dòng sông băng ở Na Uy. (Ảnh: Christian Åslund/Greenpeace).
Những bức ảnh so sánh này gây sốc đến mức khi chúng được công bố lần đầu tiên vào năm 2002, nhiều người đã cáo buộc NAG làm giả chúng. Họ nói rằng ông đã chỉnh sửa những hình ảnh mới hoặc ông đã đến thăm vào mùa hè, trong khi những bức ảnh cũ được chụp vào mùa đông. Mọi người không muốn tin rằng chúng là thật.
“Việc này đã xảy ra từ năm 2002 khi những bức ảnh đầu tiên được công bố. Những bức ảnh bị chỉ trích là đã bị chỉnh sửa hoặc chụp khác mùa, nhưng một sông băng không thay đổi nhiều từ mùa đông sang mùa hè. Nó không giống như tuyết hoặc hay tan, những thứ có thể tan chảy và quay trở lại”.
Khi trả lời những ý kiến cho rằng những bức ảnh này được chụp vào những thời điểm khác nhau trong năm, Åslund nói: “Nếu là mùa đông thì Svalbard sẽ tối đen như mực, hoàn toàn không có ánh sáng, vì vậy để chụp những bức ảnh này là không thể”.
Nhiều người cho rằng NAG đã chỉnh sửa hình ảnh để thu hút sự chú ý. (Ảnh: Christian Åslund/Greenpeace).
“Tôi không biết tại sao mọi người lại không muốn tin điều đó là sự thật. Tôi chỉ nghĩ rằng một số người gặp khó khăn trong việc chấp nhận khoa học, lắng nghe các nhà khoa học, và họ muốn tin rằng đó là giả hơn là sự thật”.
Åslund hy vọng rằng những hình ảnh của ông sẽ giúp thúc đẩy mọi người và các chính phủ hành động để đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu trước khi tất cả các sông băng biến mất. “Tôi hy vọng loạt ảnh này sẽ trở thành một lời nhắc nhở về những gì đang diễn ra. Và sau đó, tôi sẽ quay lại, có thể là sau 20 năm nữa, để thấy sự khác biệt so với hiện tại, hy vọng nó sẽ không tệ như vậy”.