Luật Hóa chất (sửa đổi) sẽ giảm 5 nhóm thủ tục hành chính
Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) có 89 điều và được bố cục thành 9 chương, bao gồm: Chương I, quy định chung gồm 8 điều (từ điều 1 đến điều 8); Chương II, phát triển công nghiệp hóa chất, gồm 6 điều (từ điều 9 đến điều 14); Chương III, quản lý hoạt động hóa chất, 30 điều (từ điều 15 đến điều 44); Chương IV, thông tin hóa chất, gồm 11 điều (từ điều 45 đến điều 55); Chương V, hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa, gồm 3 điều (từ điều 56 đến điều 58); Chương VI, an toàn hóa chất, gồm 2 mục và 13 điều (từ điều 59 đến điều 71); Chương VII, bảo vệ môi trường và an toàn cho cộng đồng, gồm 5 điều (từ điều 72 đến điều 76); Chương VIII, quản lý nhà nước về hóa chất, gồm 10 điều (từ điều 77 đến điều 86); Chương IX, điều khoản thi hành gồm 3 điều (từ điều 87 đến điều 89).
Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) quy định 12 nhóm thủ tục hành chính. Ảnh: LA |
Theo ông Văn Huy Vương – Phòng Phát triển Công nghiệp Hóa chất – Cục Hóa chất (Bộ Công Thương): Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) bám sát đề cương được duyệt và 4 chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội, bao gồm: Phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại; Quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời; Quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm; Nâng cao hiệu quả đảm bảo an toàn hóa chất.
Đặc biệt, Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) cũng quy định 12 nhóm thủ tục hành chính, bao gồm: 4 nhóm thủ tục hành chính mới, 6 nhóm thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung; 2 nhóm thủ tục hành chính giữ nguyên. Trong quá trình thực hiện Luật Hóa chất (sửa đổi) 9 nhóm thủ tục hành chính hiện nay trong lĩnh vực hóa sẽ được bãi bỏ.
“Như vậy, mặc dù phát sinh thêm thủ tục hành chính mới, nhưng số thủ tục hành chính trong lĩnh vực hóa chất sẽ giảm đi 5 nhóm so với hiện nay. Các thủ tục hành chính được nghiên cứu, xây dựng theo hướng tăng cường phân cấp, đơn giản hóa quy trình, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) cũng không có quy định nào tạo ra sự phân biệt về giới và nội dung dự thảo Luật tương thích với các Điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên” – ông Văn Huy Vương thông tin.
Số thủ tục hành chính trong lĩnh vực hóa chất sẽ giảm đi 5 nhóm so với hiện nay. Ảnh: VNC |
Kỳ vọng mới cho ngành hóa chất
Đánh giá về Luật Hóa chất (sửa đổi), ông Đỗ Thanh Bái – Chủ tịch Hội đồng trách nhiệm xã hội tự nguyện các doanh nghiệp Hóa chất Việt Nam cho rằng: Luật Hóa chất cũ đã đề cập đến vấn đề quản lý hóa chất, nhưng Luật Hóa chất (sửa đổi) đang được Cục Hóa chất – Bộ Công Thương xây dựng có cách tiếp cận chặt chẽ hơn, toàn diện hơn theo đúng nguyên tắc quản lý hóa chất theo vòng đời sản phẩm.
Cũng theo ông Đỗ Thanh Bái, vòng đời hóa chất là khâu buôn bán hóa chất. Trong Luật Hóa chất 2007 đã đưa ra những quy trình rất chặt chẽ trong việc mua – bán hóa chất và trong Luật Hóa chất (sửa đổi) điều này cũng được củng cố chặt chẽ hơn.
“Khi chúng ta làm tốt quy trình, thủ tục mua – bán hóa chất thì những sự việc tương tự như vụ đầu độc liên quan đến hóa chất sẽ quản lý được” – ông Đỗ Thanh Bái thông tin.
Cũng nói về những điểm mới trong Luật Hóa chất (sửa đổi), ông Đỗ Thanh Bái cho rằng, Luật Hóa chất 2007 chỉ đề cập đến vấn đề an toàn hóa chất, trong thương mại hóa chất thì cũng chỉ nhắc đến an toàn, tức là sử dụng hóa chất như thế nào cho an toàn, nhưng chưa đề cập đến hành vi của người mua hóa chất với động cơ xấu, đó là an ninh hóa chất. Mà an ninh hóa chất thì không chỉ để quản lý hóa chất mà còn quản lý cả vấn đề xã hội. Theo đó, ở Luật Hóa chất (sửa đổi), việc làm sao để quản lý an toàn và an ninh hóa chất đã được đề cập một cách toàn diện hơn.
Luật Hóa chất sửa đổi cũng được bổ sung rất nhiều điều và cách tiếp cận cũng rất hiện đại. Những quy định rất chặt chẽ, dựa trên kinh nghiệm của Luật Hóa chất năm 2007, nên sẽ mang lại những tín hiệu khả thi hơn. Tuy nhiên, về nội dung quản lý hóa chất theo vòng đời, ông Đỗ Thanh Bái cho rằng, hóa chất là sản phẩm đặc biệt, khác với những mặt hàng khác là ai cũng phải dùng, nên quản lý đối với người sản xuất, người mua, người bán. Theo đó, cần có những quy định quản lý được hành động của những người mua, người bán hóa chất vì động cơ xấu và không hiểu biết về hóa chất, có khả năng sử dụng sai trái… Luật Hóa chất (sửa đổi) cần có những cơ sở pháp lý như vậy để quản lý hiệu quả hóa chất.
Ông Đỗ Thanh Bái cho rằng, Luật Hóa chất của Việt Nam cũng giống như của các nước khác là muốn kiểm soát hóa chất, kiểm soát thông tin hóa chất trước khi đưa ra thị trường. Theo đó, nhập khẩu hóa chất phải thực hiện khai báo với cơ quan nhà nước, nhưng khai báo như thế nào thì cần cân bằng lợi ích doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước. Vì trên thực tế, doanh nghiệp cũng có những bí mật kinh doanh riêng, trong quá trình khai báo có thể làm lộ bí mật kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo đó, từ kinh nghiệm thế giới, ông Đỗ Thanh Bái đề xuất, những yếu tố doanh nghiệp muốn giữ “bí mật” mà ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, môi trường thì bắt buộc phải khai báo, còn lại những loại hóa chất có mặt trong sản phẩm của doanh nghiệp nhưng không ảnh hưởng đến cộng đồng, môi trường thì được phép giữ bí mật. Như vậy sẽ hài hòa lợi ích của cả doanh nghiệp và cộng đồng.
Còn về cơ quan quản lý nhà nước, khi tiếp nhận thông tin từ phía doanh nghiệp, phải làm sao để doanh nghiệp tin rằng, khi cơ quan nhà nước tiếp nhận thông tin thì cần giữ bí mật cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, có như vậy Luật Hóa chất mới sẽ đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.