Đáp ứng những yêu cầu cấp thiết đặt ra từ thực tiễn
Công nghiệp hoá chất là một trong những ngành công nghiệp nền tảng, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế đất nước. Sau khi Luật Hóa chất năm 2007 có hiệu lực, nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và nhà nước liên quan đến phát triển công nghiệp, quản lý hóa chất, an toàn hóa chất.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày Tờ trình về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) |
Cụ thể, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII), xác định nhiệm vụ, giải pháp: “Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế như công nghiệp năng lượng, cơ khí chế tạo, luyện kim, hóa chất, phân bón, vật liệu…”; “phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”; “quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên”; “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường…”.
Tại Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tiếp tục xác định: “Ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh để phát triển những lĩnh vực ưu tiên của các ngành công nghiệp nền tảng: Hóa chất (ưu tiên phát triển các loại hóa chất cơ bản, hóa dầu, hóa dược, phân bón)”; “Khuyến khích phát triển công nghiệp cơ khí, hóa chất và công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản”.
Nhiều đạo luật mới được ban hành như: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, Luật Phòng chống ma túy, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật Bảo vệ môi trường được ban hành sau này với nhiều điểm đổi mới so với thời điểm ban hành Luật Hóa chất. Những thay đổi này cùng với xu hướng chuyển hệ thống quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, cải cách, hiện đại hóa hành chính dẫn tới việc các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hóa chất phải thay đổi theo để đảm bảo tính thống nhất trong toàn bộ hệ thống quy định về quản lý hóa chất.
Một số công ước quốc tế về hóa chất được ký kết và gia nhập sau khi Luật Hóa chất có hiệu lực (các công ước Basel, Stockholm, Rotterdam, Minamata và SAICM…) do đó, cần sửa đổi, bổ sung quy định để nội luật hóa các công ước này, đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ thành viên công ước và các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Đặc biệt, sau hơn 16 năm thi hành Luật Hóa chất năm 2007 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Các quy định đối với dự án hóa chất chủ yếu tập trung vào các yêu cầu đảm bảo an toàn hóa chất và bảo vệ môi trường, chưa đề cập đến các yêu cầu về công nghệ, định hướng phát triển ngành, chất lượng sản phẩm hay các yêu cầu về hóa học xanh và phát triển bền vững; chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi hấp dẫn và có tính ổn định để thu hút đầu tư trong hoạt động hóa chất.
Quy định về quản lý hóa chất chủ yếu tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu hóa chất, trong khi đó, các quy định đối với hoạt động sử dụng hóa chất chưa đảm bảo được hiệu lực quản lý, các quy định về vận chuyển, thải bỏ hóa chất còn chung chung và chưa được quan tâm, dẫn đến những lỗ hổng quản lý trong chu trình vòng đời của hóa chất. Nhiều sản phẩm tiêu dùng chứa hóa chất nguy hiểm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến người dân hoặc có thể ảnh hưởng lâu dài đến môi trường khi thải bỏ, tuy nhiên Luật chưa có quy định điều chỉnh.
Bên cạnh đó, việc thi hành pháp luật về quản lý hóa chất đôi khi còn chưa nghiêm. Nhiều hóa chất nguy hiểm bị sử dụng sai mục đích gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Nhiều đơn vị xem nhẹ các quy định về an toàn hóa chất, không thực hiện hoặc thực hiện đối phó, hình thức, chưa đảm bảo công tác phòng ngừa và ứng phó sự cố hóa chất. Giữa các cơ quan quản lý còn thiếu cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin về công tác quản lý hóa chất.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Luật Hóa chất được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2007. Sau 16 năm thi hành, Chính phủ nhận thấy, so với thời điểm ban hành, hệ thống pháp luật hiện nay đã có nhiều thay đổi; Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn liên quan đến lĩnh vực hóa chất; nhiều Luật mới có liên quan cũng đã được Quốc hội ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung.
Cùng với đó, Việt Nam đã gia nhập nhiều Hiệp định thương mại tự do và một số Công ước, Điều ước quốc tế mới về quản lý hóa chất. Mặt khác, thực tiễn thi hành luật cũng cho thấy một số quy định của Luật Hóa chất hiện hành đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc, không còn phù hợp với tình hình thực tế.
“Vì vậy, việc sửa đổi Luật Hóa chất là cần thiết nhằm kịp thời thể chế hóa các đường lối, chủ trương mới của Đảng trong lĩnh vực hóa chất và khắc phục một số vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với bối cảnh trong nước, quốc tế hiện nay và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia” – Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Về mục đích, quan điểm xây dựng Luật, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi) để kịp thời thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển công nghiệp hóa chất.
Sửa đổi toàn diện, đồng bộ các quy định của Luật Hóa chất theo hướng vừa bảo đảm kế thừa các quy định “đã chín, đã rõ, được đa số đồng tình và đã được kiểm chứng qua thực tiễn”; bãi bỏ các quy định không còn phù hợp, gây vướng mắc, cản trở; bổ sung, phát triển các quy định mang tính nguyên tắc, nền tảng phù hợp với tình hình mới gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế.
Dự thảo Luật này không có nội dung trái Hiến pháp, không có chính sách trái chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; không lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ và bảo đảm tương thích với các điều ước/cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa chất
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) bám sát 4 chính sách lớn được Chính phủ thống nhất trình Quốc hội thông qua, bao gồm: Phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại; quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời; quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm; nâng cao hiệu quả đảm bảo an toàn hóa chất.
Quốc hội nghe Tờ trình về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) |
Dự thảo Luật gồm 9 chương, 89 điều (giảm 1 chương và tăng 18 điều so với Luật Hóa chất hiện hành). Việc tăng các điều, khoản trong dự thảo Luật chủ yếu và thực chất là các quy định mới về phát triển công nghiệp hóa chất, quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm và phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành về quản lý hóa chất.
Cụ thể như sau: Chương I. Quy định chung, gồm 8 Điều. Nội dung chủ yếu về: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động hóa chất.
Chương II. Phát triển công nghiệp hóa chất, gồm 6 Điều. Nội dung chủ yếu về: Chiến lược phát triển công nghiệp hóa chất; các yêu cầu đặc thù đối với dự án hóa chất; cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm.
Chương III. Quản lý hoạt động hóa chất, gồm 30 Điều, được chia thành 4 Mục. Nội dung chủ yếu về: Quy định chung đối với hoạt động hóa chất; quy định về hóa chất có điều kiện; quy định về hóa chất cần kiểm soát đặc biệt; quy định về hóa chất cấm. Các quy định tại Chương này nhằm quản lý các hoạt động trong toàn bộ vòng đời, từ sản xuất, nhập khẩu đến sử dụng, thải bỏ hóa chất.
Chương IV. Thông tin hóa chất, gồm 11 Điều. Nội dung Chương này cơ bản kế thừa quy định tại Luật Hóa chất hiện hành về: Đăng ký, đánh giá, quản lý hóa chất mới; thông tin về hóa chất, bảo mật thông tin và cơ sở dữ liệu hóa chất. Việc áp dụng các quy định nêu trên đã ổn định, phù hợp với thực tiễn và các quy định có liên quan của pháp luật. Dự thảo Luật chỉ quy định cụ thể hơn về trách nhiệm cung cấp, lưu giữ, cập nhật thông tin về phân loại đặc tính nguy hiểm của hóa chất và phiếu an toàn hóa chất.
Chương V. Hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, gồm 3 Điều. Đây là Chương được bổ sung mới nhằm quy định rõ trách nhiệm của các bộ quản lý ngành về công bố hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật; tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm chứa hóa chất nguy hiểm phải xây dựng quy trình quản lý hóa chất; trách nhiệm công bố thông tin trên cơ sở dữ liệu hóa chất của các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm chứa hóa chất nguy hiểm. Các quy định trên được xây dựng theo hướng minh bạch thông tin đến công chúng, không phát sinh thủ tục hành chính.
Chương VI. An toàn hóa chất, gồm 13 Điều, chia thành 2 Mục. Nội dung chủ yếu về: Yêu cầu bảo đảm an toàn trong hoạt động hóa chất và phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.
Chương VII. Bảo vệ môi trường và an toàn cho cộng đồng, gồm 5 Điều. Nội dung Chương này cơ bản kế thừa quy định tại Luật Hóa chất hiện hành vì đã thực hiện ổn định, phù hợp với thực tiễn và các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Chương VIII và Chương IX. Các quy định về tổ chức thực hiện, gồm 13 Điều. Nội dung chủ yếu về: Trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực hóa chất và điều khoản thi hành.
Đáng chú ý, tại Chương II. Phát triển công nghiệp hóa chất, đã bổ sung các quy định về yêu cầu đối với nội dung, xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hóa chất. Về cơ chế ưu đãi đầu tư, dự thảo quy định các lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm được hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt bao gồm các lĩnh vực sản xuất các sản phẩm cần ưu tiên phát triển để cung cấp nguyên liệu thiết yếu cho nhiều ngành kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ sức khỏe người dân hướng tới nền kinh tế độc lập, tự chủ, các dự án đầu tư khu, cụm công nghiệp chuyên ngành hóa chất, tổ hợp hóa chất để thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn.
Nhằm tạo cơ chế, chính sách phù hợp để triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại, dự thảo quy định các lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm được hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt bao gồm các lĩnh vực sản xuất các sản phẩm cần ưu tiên phát triển để cung cấp nguyên liệu cho nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất khác, dự án đầu tư khu công nghiệp chuyên ngành hóa chất, cụm công nghiệp chuyên ngành hóa chất, tổ hợp hóa chất…
Bổ sung quy định về hoạt động tư vấn chuyên ngành hóa chất theo hướng: Bổ sung điều kiện về chuyên môn hóa chất đối với tư vấn thực hiện các hoạt động xây dựng (việc cấp chứng chỉ cho các đối tượng này thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Xây dựng); điều kiện chuyên môn, cấp chứng chỉ đối với một số hoạt động tư vấn liên quan trực tiếp đến công nghệ và an toàn hóa chất.
Việc bổ sung quy định về hoạt động tư vấn chuyên ngành hóa chất nhằm nâng cao hiệu quả công tác an toàn hóa chất, đảm bảo quyền lợi cho các chủ đầu tư dự án, lựa chọn được các giải pháp công nghệ, xây dựng, an toàn phù hợp, hiệu quả, tiết kiệm chi phí.
Luật Hóa chất (sửa đổi) quy định về hoạt động hóa chất, phát triển công nghiệp hóa chất, hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, an toàn trong hoạt động hóa chất, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hóa chất, quản lý nhà nước về hóa chất. |
Bài 3:Đáp ứng kỳ vọng, tạo động lực phát triển mới