Đợt mưa lớn gấp nhiều lần mức trung bình tháng 9 hàng năm đang trút xuống sa mạc Sahara, một trong những khu vực khô nhất trên Trái đất.
Các nhà khoa học chưa rõ tại sao sa mạc này lại trải qua nhiều mưa như vậy, nhưng nguyên nhân có thể liên quan tới mùa bão Đại Tây Dương đặc biệt yên ắng. Mưa nặng hạt đến mức một số vùng khô hạn ở Bắc Phi hiện nay gặp gió mùa và ngập lụt, vài nơi ở Sahara được dự đoán có lượng mưa cao gấp 5 lần mức trung bình tháng 9 hàng năm, Live Science hôm 13/9 đưa tin.
Ảnh vệ tinh sa mạc Sahara trước (ngày 22/8/2024, trái) và sau (ngày 10/9/2024, phải) đợt mưa. (Ảnh: NASA).
Mưa ở Sahara không hoàn toàn hiếm gặp. Khu vực cực rộng lớn và đa dạng, một số nơi thường có lượng mưa nhỏ, theo Moshe Armon, nhà khoa học khí quyển ở Đại học Công nghệ Liên bang (ETH) tại Zürich. Nhưng hiện tại, nhiều vùng của Sahara đang ngập lụt, bao gồm các nơi ở xa hơn về phía bắc vốn luôn khô hạn hơn. Vài nhà khoa học chỉ ra đây là một phần trong biến động khí hậu tự nhiên của Trái đất trong khi các chuyên gia khác cho rằng đó là kết quả của biến đổi khí hậu do con người gây ra. “Câu trả lời có thể nằm ở giữa”, Armon nói.
Sự thay đổi khí hậu ở Sahara có thể liên quan tới mùa bão Đại Tây Dương yếu hơn. Cho tới nay, mùa bão 2024 khá yên ắng bất chấp dự đoán về hoạt động bão mạnh vào đầu mùa hè do nhiệt độ đại dương tăng cao. Những chuyên gia khí tượng nhấn mạnh lần đầu tiên trong 27 năm không có bão hình thành ở Đại Tây Dương vào ngày đầu tháng 9. Hơn một nửa số cơn bão được đặt tên và 80 – 85% số cơn bão lớn ở Đại Tây Dương mỗi năm thường đến từ khu vực ở phía nam Sahara, theo Jason Dunion, nhà khí tượng học ở Cục quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA).
Trong một mùa bão thông thường, sóng khí quyển rời khỏi vùng ven biển phía tây châu Phi và tiến vào Bắc Đại Tây Dương, dọc theo Đới hội tụ liên chí tuyến (ITCZ), một vành đai gần xích đạo, nơi không khí từ Bắc bán cầu và Nam bán cầu gặp nhau. Vành đai ITCZ có thể mang theo mây, mưa và bão. Sóng khí quyển tiến về phía tây dọc theo ITCZ phía trên Đại Tây Dương, kết hợp với nước biển ấm, phát triển thành bão nhiệt đới.
Nhưng một phần ITCZ dịch chuyển về hướng bắc trong năm nay, qua vùng phía bắc Sahara. Các nhà khoa học không hiểu rõ tại sao điều này xảy ra, dù các mô hình khí hậu trước đây dự đoán ITCZ sẽ tiến về hướng bắc do nhiệt độ đại dương và không khí ấm lên, bởi khí thải chứa carbon khiến Bắc bán cầu ấm lên nhanh hơn Nam bán cầu.
Ảnh hưởng của sự dịch chuyển về hướng bắc là ITCZ đẩy mưa vào sâu trong khu vực Bắc Phi hơn bình thường, ngang qua sa mạc Sahara, trong khi lộ trình thông thường của sóng khí quyển từ Bắc Phi cũng bị xáo trộn. Không có hơi ẩm của ITCZ phía trên Đại Tây Dương ấm lên, không có đủ yếu tố để bão mạnh phát triển. Tuy nhiên, đỉnh mùa bão Đại Tây Dương thường rơi vào giữa tháng 9, vì vậy khoảng thời gian yên ắng này không có nghĩa một cơn bão mạnh nguy hiểm không thể xảy ra.
Trong khi đó, lượng mưa cao bất thường ở Sahara có thể là kết quả từ nước biển ấm hơn bình thường ở Bắc Đại Tây Dương và Địa Trung Hải. Sa mạc Sahara có thể tiếp tục trải qua điều kiện ẩm ướt hơn trong tương lai. Hoạt động của con người, đặc biệt là khí nhà kính, đang thúc đẩy đại dương hấp thụ nhiều nhiệt hơn. Một số mô hình khí hậu dự đoán đại dương ấm hơn sẽ đẩy mưa gió mùa đi xa hơn về hướng bắc ở châu Phi năm 2100, có nghĩa những khu vực khô hạn có thể mưa nhiều hơn.