Rộ tin 1 quốc gia lớn trong BRICS tiến tới từ bỏ petrodollar: Kỷ nguyên phi đô la hoá có thể làm lung lay vị thế thống trị của đồng bạc xanh?

Rộ tin 1 quốc gia lớn trong BRICS tiến tới từ bỏ petrodollar: Kỷ nguyên phi đô la hoá có thể làm lung lay vị thế thống trị của đồng bạc xanh?- Ảnh 1.

TIN MỚI

Rộ tin 1 quốc gia lớn trong BRICS tiến tới từ bỏ petrodollar: Kỷ nguyên phi đô la hoá có thể làm lung lay vị thế thống trị của đồng bạc xanh?- Ảnh 1.

Gần đây, một số thông tin cho rằng Ả Rập Xê Út (một thành viên khối BRICS) sẽ chấm dứt thỏa thuận petrodollar kéo dài hàng thập kỷ với Mỹ. Mặc dù có nhiều điểm không chính xác trong báo cáo và đồng USD vẫn giữ vai trò toàn cầu, động lực phi đô la hoá vẫn đang được hình thành. Điều này phản ánh những thay đổi địa chính trị và kinh tế vĩ mô.

Kỷ nguyên của đồng USD

Hệ thống petrodollar xuất hiện vào giữa thập niên 1970, sau khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon chấm dứt khả năng quy đổi USD ra vàng. Thoả thuận này yêu cầu Ả Rập Xê Út định giá xuất khẩu dầu bằng đồng USD và đầu tư doanh thu thặng dư từ dầu vào trái phiếu chính phủ Mỹ.

Điều này giúp quá trình chuyển đổi sang hệ thống tỷ giá hối đoái thả nổi thời hậu Bretton Woods diễn ra suôn sẻ. Quan trọng hơn nữa, nó củng cố vị thế của đồng đô la là đồng tiền dự trữ của thế giới, mang lại thịnh vượng cho nước Mỹ trong nhiều thập kỷ. Người Mỹ được hưởng lợi khi quốc gia của họ trở thành thị trường ưa chuộng của các tập đoàn toàn cầu, trong bối cảnh nhu cầu về đồng bạc xanh và dòng vốn vào Mỹ ngày càng tăng.

Cụ thể, năm 1974, Mỹ và Ả Rập Xê Út đã thực hiện một thoả thuận bí mật. Ả Rập Xê Út sẽ tái đầu tư thặng dư USD từ dầu mỏ vào kho bạc Mỹ để đổi lấy việc Mỹ đảm bảo an ninh cho họ. Từ đó, hai nước tạo ra một liên minh chiến lược định hình nền chính trị toàn cầu trong nhiều thập kỷ.

Đến năm tiếp theo, toàn bộ OPEC đã đồng ý định giá dầu bằng USD và đầu tư vào nợ chính phủ Mỹ. Họ cũng cho phép các ngân hàng Mỹ gia hạn các khoản vay cho các quốc gia ở Nam bán cầu.

Rộ tin 1 quốc gia lớn trong BRICS tiến tới từ bỏ petrodollar: Kỷ nguyên phi đô la hoá có thể làm lung lay vị thế thống trị của đồng bạc xanh?- Ảnh 2.

Hình ảnh minh hoạ

Khi dầu trở thành nguồn tài nguyên quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, công nghiệp hóa và tiến bộ công nghệ, các nước nhập khẩu dầu cần USD để trả tiền mua năng lượng. Đồng thời, sự bùng nổ dân số toàn cầu đã làm tăng nhu cầu về hàng hóa sản xuất và dầu mỏ, củng cố hơn nữa vị thế của đồng đô la.

Đến năm 2000, hơn 70% tổng dự trữ ngoại hối giữ bằng đồng USD. Đồng bạc xanh thống trị thương mại quốc tế ngay cả khi các nền kinh tế công nghiệp hóa châu Á xói mòn thị phần của Mỹ.

Sự thống trị của USD vẫn có những thách thức, đáng chú ý nhất phải kể đến quá trình tài chính hóa nền kinh tế Mỹ và sự sụt giảm nhanh chóng của sản xuất trong nước. Tuy nhiên, những lợi ích mang lại cho nước Mỹ là vô cùng lớn.

Dòng vốn nước ngoài đổ vào Kho bạc Mỹ giúp hỗ trợ mức lãi suất thấp và thị trường trái phiếu phát triển mạnh mẽ. Điều này biến Phố Wall trở thành trung tâm tài chính thế giới. Ngày nay, khoảng 70% nợ ngoại tệ được tính bằng USD. Hơn nữa, việc phát hành đồng tiền dự trữ của thế giới có nghĩa là Mỹ không phải lo lắng về thâm hụt thương mại, giống như nhà kinh tế học người Pháp Jacques Rueff từng nói “cho mà không cần nhận, cho vay mà không cần đi vay, thu về mà không phải chi trả”.

Sự trỗi dậy của xu hướng phi đô la hoá

Tuy nhiên, gần đây đã xuất hiện một số động thái hướng tới phi đô la hoá. Các ngân hàng trung ương đã tăng hơn gấp đôi lượng vàng mua vào trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến năm 2022 và duy trì mức tương tự vào năm 2023.

Điều quan trọng không kém là việc thanh toán bằng nội tệ cho thương mại song phương đã trở nên phổ biến hơn. Vào năm 2023, Ấn Độ lần đầu tiên thực hiện thanh toán bằng đồng rupee cho dầu thô từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Trung Quốc cũng đã sử dụng đồng nhân dân tệ để thanh toán khoảng một nửa giao dịch và đầu tư xuyên biên giới của mình, tận dụng Hệ thống thanh toán xuyên biên giới (Cross-Border Interbank Payment System – CIPS) mà Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã ký với hơn 40 ngân hàng trung ương.

Rộ tin 1 quốc gia lớn trong BRICS tiến tới từ bỏ petrodollar: Kỷ nguyên phi đô la hoá có thể làm lung lay vị thế thống trị của đồng bạc xanh?- Ảnh 3.

Hình ảnh minh hoạ

Nhu cầu rời khỏi kỷ nguyên petrodollar có thể do một số yếu tố. Trước năm 2000, Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của hơn 80% quốc gia trên thế giới. Hiện con số này giảm xuống dưới 30% và Trung Quốc dần thay Mỹ đảm nhận vai trò này.

Bối cảnh năng lượng toàn cầu cũng đã thay đổi đáng kể. Mỹ từng phụ thuộc rất nhiều vào dầu mỏ của Ả Rập Xê Út, nhưng sự bùng nổ dầu đá phiến của nước này vào giữa thập niên 2000 đã khiến Mỹ trở nên độc lập về năng lượng. Hiện Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu hàng đầu của Ả Rập Xê Út, mặc dù nhiều quốc gia đang sử dụng năng lượng tái tạo để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh.

Nhờ công nghệ phát triển và toàn cầu hoá các chuỗi giá trị, sự trỗi dậy của Nam bán cầu cùng với căng thẳng địa chính trị gia tăng đang đẩy thế giới tới một trật tự đa cực. Trong khi đó, việc Mỹ áp dụng rộng rãi các lệnh trừng phạt đã làm nổi bật những rủi ro chính trị và tài chính khi quá phụ thuộc vào đồng đô la.

Việc phi đô la hoá ngày càng được coi là cách tốt nhất để giảm thiểu những rủi ro kể trên và thúc đẩy tăng trưởng. Kết quả là, các quốc gia đang đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của mình. Năm 2022, tỷ trọng dự trữ toàn cầu của đồng USD giảm nhanh hơn 10 lần so với hai thập kỷ trước, từ mức 73% vào năm 2001 xuống còn 58%.

Trong khi đó, số hóa đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng nội tệ cho thương mại và thanh toán xuyên biên giới, vượt qua các hạn chế liên quan đến nguồn vốn bằng USD và tăng cường khả năng phục hồi tài chính. Ví dụ: Các ngân hàng trung ương của Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan gần đây đã triển khai hệ thống dựa trên mã QR cho phép người dân thực hiện thanh toán kỹ thuật số xuyên biên giới mà không cần sử dụng đồng tiền phương tiện.

Sự tăng tốc của quá trình phi đô la hóa là không thể phủ nhận. Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận thấy, tại 125 nền kinh tế, mức sử dụng trung bình đồng nhân dân tệ trong thanh toán xuyên biên giới với Trung Quốc đã tăng từ 0% năm 2014 lên 20% vào năm 2021. Đối với 1/4 nền kinh tế trong số này, việc sử dụng đồng nhân dân tệ đã tăng lên 70%. Vào năm 2023, 1/5 giao dịch dầu mỏ toàn cầu được thanh toán bằng loại tiền tệ không phải đô la. Và mối quan hệ năng lượng ngày càng sâu sắc của Ả Rập Xê Út với Trung Quốc đã dẫn đến các hợp đồng mua bán dầu dài hạn bằng đồng nhân dân tệ (petroyuan).

Rộ tin 1 quốc gia lớn trong BRICS tiến tới từ bỏ petrodollar: Kỷ nguyên phi đô la hoá có thể làm lung lay vị thế thống trị của đồng bạc xanh?- Ảnh 4.

Hình ảnh minh hoạ

Trong một thế giới đa cực mới nổi, số hóa đang cho phép các nền kinh tế phát triển các cơ chế thanh toán thay thế. Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York gần đây đã thừa nhận rằng một nhóm nhỏ các quốc gia đang giảm dự trữ bằng đồng USD và một số ngân hàng trung ương tăng cường mua vàng.

Khi rủi ro địa chính trị tiếp tục làm xói mòn niềm tin, những con số này sẽ tiếp tục tăng. Việc sử dụng số hóa để tạo ra một khuôn khổ đa phương, nhằm giải quyết các giao dịch xuyên biên giới bằng tiền nội địa sẽ rất quan trọng, để tránh sự phân mảnh tốn kém của hệ thống thanh toán toàn cầu trong một thế giới đa cực.

Theo: Nhà kinh tế học Hippolyte Fofack