Hiệp định RCEP được 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 nước đối tác của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand ký kết vào ngày 15/11/2020 bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam làm Chủ tịch.
Hiệp định RCEP có hiệu lực từ tháng 1/2022 đã góp phần đa phương hóa các hiệp định thương mại tự do mà ASEAN đã ký kết với từng nước đối tác trước đây, hài hòa các cam kết, quy định trong các hiệp định này, tối đa hóa các lợi ích kinh tế, đặc biệt là quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi cho thương mại, góp phần củng cố các chuỗi cung ứng khu vực và phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
ASEAN là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Ảnh: VGP |
Đặc biệt trong đó sẽ loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia ký kết trong vòng 20 năm, đồng thời thiết lập các quy tắc chung cho thương mại điện tử, thương mại và quyền sở hữu trí tuệ. Chi phí và thời gian cho các thương nhân được cắt giảm khi xuất khẩu hàng hóa sang bất kỳ quốc gia ký kết thỏa thuận mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của từng quốc gia.
Hiệp định RCEP cũng sẽ giảm bớt các hàng rào phi thuế quan đối với thương mại giữa các quốc gia thành viên như thủ tục hải quan, kiểm dịch và các tiêu chuẩn kỹ thuật.
Trung Quốc với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đóng vai trò quan trọng trong hiệp định RCEP. Sau khi ký kết, Trung Quốc là một trong những nước đối tác đầu tiên của ASEAN sớm hoàn tất chính thức phê chuẩn RCEP.
ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc vào năm 2020. Tổng thương mại của Trung Quốc đạt 212 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm 2022 (năm đầu tiên thực thi hiệp định), tăng 8,4% so với khối ASEAN.
Theo số liệu thống kê do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố, trong 3 quý đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và ASEAN đạt 5.090 tỷ NDT (khoảng 715,7 tỷ USD), tăng 9,4%; trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 3.020 tỷ NDT (khoảng 424,6 tỷ USD), tăng 12,3%; kim ngạch nhập khẩu đạt 2.070 tỷ NDT (khoảng 291 tỷ USD), tăng 5,4%.
Theo các chuyên gia, thị trường rộng lớn của cả hai bên cung cấp sự hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển của thương mại song phương. Sự hợp tác thực chất giữa Trung Quốc và ASEAN đã tiếp tục sâu sắc hơn, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của nhau trong nhiều năm liên tiếp.
Bên cạnh đó, việc kết nối đa chiều thuận tiện và hiệu quả hơn đã thúc đẩy trao đổi thương mại. Tại các cửa khẩu biên giới, các đoàn xe chở hàng nối tiếp nhau tấp nập thông quan.
Hợp tác chuỗi công nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu, kim ngạch xuất nhập khẩu các sản phẩm trung gian đã đạt được sự tăng trưởng nhanh chóng. Trung Quốc và các nước ASEAN có sự hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực thông tin điện tử, sản xuất ôtô, dệt may…, quy mô xuất nhập khẩu các sản phẩm trung gian không ngừng mở rộng. Trong 3 quý đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng trung gian giữa Trung Quốc và ASEAN đạt 3.230 tỷ NDT (khoảng 454 tỷ USD), tăng 9%.
Cùng với đó, những lợi thế về tiêu dùng hàng ngày của người dân có tính bổ sung cho nhau, sự lựa chọn hai chiều của các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng sẽ mở rộng hơn.
Dừa tươi Việt Nam có nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc. Ảnh: Tiến Anh |
Trong 3 quý đầu năm 2024, Trung Quốc đã nhập khẩu 184,83 tỷ NDT (khoảng 26 tỷ USD) nông sản từ ASEAN, và ASEAN trở thành nguồn nhập khẩu nông sản lớn thứ hai của Trung Quốc.
Sầu riêng tươi của Malaysia, thủy sản Brunei, dừa tươi Việt Nam… mới được cấp phép nhập khẩu trong năm nay cũng đã làm phong phú thêm sự lựa chọn tiêu dùng trong nước.
Đồng thời, ASEAN là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Trung Quốc. Cam, quýt, lê…, cũng như tỏi, hành tây và các loại rau củ khác của Trung Quốc rất phổ biến trên thị trường ASEAN. Trong ba quý đầu năm nay, xuất khẩu trái cây và rau quả tươi, khô của Trung Quốc sang ASEAN lần lượt tăng 18,4% và 15,5%.
Đánh giá cao vai trò của RCEP trong hợp tác kinh tế – thương mại ở khu vực trong giai đoạn hiện nay, ông Hứa Ninh Ninh – Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc – ASEAN, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác công nghiệp trong khuôn khổ Hiệp định RCEP – cho rằng, cần tiếp tục có sự phối hợp nhịp nhàng, thông suốt giữa các chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp các nước. Chỉ có tăng cường tin cậy, phát triển quan hệ hữu nghị, mới có thể tạo ra những thành quả kinh tế thiết thực từ việc thực thi Hiệp định RCEP.
Đồng thời, ông Hứa Ninh Ninh cũng nhấn mạnh, cộng đồng doanh nghiệp các quốc gia RCEP cũng cần tích cực hợp tác, để thúc đẩy quan hệ chính trị, giao lưu nhân dân đạt tiến triển mới, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác kinh tế – thương mại.
Hiện nay, Trung Quốc và ASEAN là các nền kinh tế lớn thứ hai và thứ 5 trên thế giới, tổng lượng kinh tế của hai bên đã vượt 1/5 toàn cầu và đóng góp cho nền kinh tế thế giới hơn 30%, là những động lực quan trọng cho sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.