Cơ quan thời tiết Philippines thông báo bão Bebinca đang di chuyển về phía Bắc với tốc độ 30 km/giờ và có khả năng mạnh lên thành cuồng phong vào tối 13-9 (giờ địa phương).
Cơ quan Thiên văn, địa vật lý và khí quyển Philippines (PAGASA) ngày 12-9 cho biết cơn bão Bebinca hiện nằm cách Trung Luzon 1.975 km về phía Đông và vẫn nằm ngoài Khu vực trách nhiệm của Philippines (PAR).
Tờ Rappler đưa tin cơn bão đang di chuyển về phía Bắc với tốc độ tương đối nhanh 30 km/h, tiếp tục có sức gió mạnh nhất duy trì 95 km/h và giật tới 115 km/h. Bebinca được dự đoán sẽ mạnh lên thành cuồng phong vào tối 13-9 (giờ địa phương).
Bebinca sẽ đi vào PAR chiều hoặc tối 13-9 với tên địa phương là Ferdie. Cơn bão có khả năng ở lại khu vực này trong vòng vài giờ và chỉ đi qua vùng biển gần ranh giới Đông Bắc PAR.
Mặc dù cách xa đất liền Philippines, Bebinca vẫn có thể gây ra mưa lớn tại nhiều khu vực.
Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản ghi nhận tính đến chiều tối 12-9 (giờ địa phương), Bebinca ở phía Đông Philippines đang di chuyển về phía Bắc – Tây Bắc với tốc độ khoảng 25 km/giờ và sức gió lên tới 126 km/giờ.
Theo Kyodo, cơn bão dự kiến đổ bộ vào phía Nam đảo Okinawa và khu vực đảo Amami ở phía Tây Nam Nhật Bản vào cuối tuần này. Giới chức cảnh báo cơn bão số 13 trong năm 2024 của nước này có thể mang theo gió mạnh và biển động ở một số khu vực, ngoài ra còn có nguy cơ lũ lụt, lở đất, thủy triều và mực nước sông dâng cao.
Người dân được khuyến cáo tránh ra ngoài khi không cần thiết, tránh xa cửa sổ khi ở trong nhà, vì gió mạnh có thể quật đổ cột điện và gây thiệt hại cho một số phần của tòa nhà.
Trong khi đó, Bloomberg đưa tin bão Bebinca dự báo đổ bộ vào bờ biển phía Đông Trung Quốc, ở các khu vực ven biển giữa tỉnh Chiết Giang và Phúc Kiến, vào sáng sớm 16-9 (giờ địa phương).
Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc cho biết Bebinca, với tên địa phương là Beibijia, sẽ đổ bộ vào đất liền với cường độ bão cấp 2 theo thang Saffir-Simpson năm cấp. Cơn bão có thể gây ra mưa lớn, dẫn tới khả năng ảnh hưởng tới các nhà máy lọc dầu và kho cảng nhập LNG, cũng như làm tê liệt hoạt động vận tải.