Một trận phun trào núi lửa đã xảy ra trên bán đảo Reykjanes ở phía tây nam của Iceland. Sự kiện này đã tạo ra một vết nứt dài khoảng 3km trên mặt đất và bắn dung nham lên cao tới 80m vào không trung.
“Vào lúc 5h30 sáng nay, một hoạt động địa chấn dữ dội được ghi nhận ở phía đông bắc núi Sylingarfell. Khoảng 30 phút sau, vụ phun trào núi lửa xảy ra”, Văn phòng Khí tượng Iceland (IMO) ngày 8/2 thông báo.
Video quay trực tiếp tại ngoại ô thị trấn Grindavik cho thấy dung nham nóng đỏ chảy ra từ một vết nứt trên núi làm sáng cả đám khói bốc lên dưới bầu trời đêm.
Khói bốc lên và dung nham chảy ra từ một vết nứt trong vụ phun trào núi lửa ở ngoại ô Grindavik, Iceland, ngày 8/2. (Ảnh: AFP).
Theo IMO, dựa trên đánh giá ban đầu từ chuyến bay của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển, vết nứt dài khoảng ba km, giải phóng dung nham phun cao từ 50 đến 80 m.
“Dòng dung nham chủ yếu chảy về phía tây và dường như ít hơn một chút so với vụ phun trào đầu tiên ngày 18/12/2023”, cơ quan này cho hay.
Nó diễn ra tại cùng khu vực với hai vụ phun trào trước đó, lần đầu tiên vào ngày 18/12 năm ngoái và lần thứ hai vào ngày 14/1, gần thị trấn ven biển Grindavik.
Vào tháng 11/2023, Grindavik đã phải sơ tán dân cư sau khi hàng trăm trận động đất liên tiếp làm hư hại các tòa nhà và gây ra những vết nứt lớn trên đường.
Hai vết nứt núi lửa hình thành trong đợt phun trào thứ hai, trong đó một vết nứt xuất hiện ngay rìa thị trấn, khiến dung nham chảy ra đường, thiêu rụi ba ngôi nhà.
Nhà địa chấn học Kristin Jonsdottir nhận định vị trí xảy ra vụ phun trào mới nhất nằm ở phía bắc Grindavik và cách xa cơ sở hạ tầng. Ông cho rằng đây là một điều may mắn.
Nằm giữa mảng kiến tạo Á – Âu và Bắc Mỹ, hai trong số những mảng kiến tạo lớn nhất hành tinh, Iceland là điểm nóng về hoạt động địa chấn và núi lửa, do hai mảng này di chuyển ngược hướng nhau.
Năm 2010, đám mây tro bụi từ vụ phun trào núi lửa Eyafjallajokull ở miền nam Iceland lan rộng ra phần lớn châu Âu, khiến khoảng 100.000 chuyến bay bị hủy và buộc hàng trăm người Iceland phải sơ tán. Không giống Eyafjallajokull, hệ thống núi lửa Reykjanes không nằm dưới các sông băng nên dự kiến không gây ra những đám mây tro bụi tương tự.