Nông dân trồng thanh long mất trắng sau trận ngập lịch sử: Chưa rõ nguyên nhân!

Thanh long chín trong vườn nhà ông Võ Đức Nhuần (thôn Phú Sơn, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) phải cắt bỏ do ngập nước

TIN MỚI

Sáng 30-8, ông Võ Đức Nhuần (thôn Phú Sơn, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) phải cắt bỏ những trái thanh long chín bị hư ruột sau trận ngập kéo dài 3 ngày. Cả 700 trụ thanh long với khoảng 10 tấn trái đang chín từ lứa chong đèn trái vụ của ông đều bị ngập trong biển nước.

Cắt bỏ hàng trăm trụ thanh long

Ông Nhuần cho biết với giá bán hiện nay là trên 20.000 đồng/kg, trận ngập ngày 27-8 khiến gia đình ông thiệt hại hơn 200 triệu đồng. “Nước lên rất nhanh và rất lâu rút. Không chỉ trái chín bị ngập nước nhiều giờ, buộc phải cắt bỏ mà bộ rễ cây cũng bị hư, tàu lá bị cháy, gần như không thể phục hồi 100%” – ông Nhuần xót xa.

Thanh long chín trong vườn nhà ông Võ Đức Nhuần (thôn Phú Sơn, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) phải cắt bỏ do ngập nước

Thanh long chín trong vườn nhà ông Võ Đức Nhuần (thôn Phú Sơn, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) phải cắt bỏ do ngập nước

Cách vườn thanh long của ông Nhuần không xa, bà Lê Thị Hạnh đang nhờ người thân, hàng xóm hỗ trợ sấy khô những tấm nệm bị ngấm nước. Bà Hạnh kể nước lên vào 4 giờ sáng nên bà không kịp trở tay, toàn bộ đồ đạc trong nhà từ máy giặt, bếp gas… đến bàn thờ đều ngập trong nước. Gia đình bà chỉ có thể chạy sang nhà hàng xóm có nền cao hơn để tránh tạm.

Giáp nhà bà Hạnh là nhà ông Nguyễn Văn Dũng. Ông Dũng bị tai biến, sống với mẹ già trong căn nhà xập xệ. Khi lũ đến, ông đã phải gọi hàng xóm đến ứng cứu nhưng toàn bộ đồ đạc vẫn bị ngâm trong nước.

Đường ĐT 719B chia cắt 2 vùng ngập của xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận

Đường ĐT 719B chia cắt 2 vùng ngập của xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận

Theo báo cáo của UBND xã Hàm Mỹ, mưa lũ khiến hơn 300 ngôi nhà ở 2 thôn Phú Sơn, Phú Khánh ngập trong nước. Xã đã di dời người và tài sản ra khỏi 50 nhà bị ngập để bảo đảm an toàn. Ngoài ra, khu vực 2 thôn này có hơn 400 ha thanh long cùng nhiều diện tích cây trồng bị ngập.

Chưa truy được trách nhiệm

Để xác định nguyên nhân gây ra trận ngập lịch sử, cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra hiện trường. Đáng chú ý, tuyến đường ĐT 719B sắp hoàn thành thi công được cho là nguyên nhân gây ra ngập lụt.

Tuy nhiên, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Thuận, đại diện chủ đầu tư dự án đường ĐT 719B, khẳng định công trình được thi công đúng thiết kế. Trong đó, gầm cầu là nơi thoát nước cho con sông Cát đã được mở rộng hơn so với dòng chảy cũ. “Con mương cũ trước đây chiều rộng chỉ có 1 m; khi thi công, chúng tôi đã mở rộng thành 2 m. Dòng suối chính chảy ngang đường ở khu vực ngập trước đây chỉ 10 m, nay được mở rộng dầm cầu lên gấp 3 lần” – ông Nguyễn Thanh Hiền, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Thuận – chủ đầu tư tuyến đường ĐT 719B, cho biết.

Khi được hỏi về việc ngoài tuyến cống chính, nhiều đường mương nhỏ đã bị tuyến đường ĐT 719B ngăn lại, đại diện chủ đầu tư cho rằng các dòng chảy nhỏ dọc theo tuyến đường ĐT 719B đã được gom về các mương dẫn để thoát ra hệ thống cống chính. Dẫu vậy, “khi mưa bình thường sẽ thoát hết, còn mưa lớn thì… có thể ngập cục bộ”.

Với nghi vấn hồ chứa nước Đu Đủ – thượng lưu đưa nước về vùng ngập – xả lũ gây ngập, ngày 29-8, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bình Thuận cho hay đến thời điểm đó, các hồ nước tại địa phương chưa tích đủ nước nên không có tình trạng xả lũ.

Tuy nhiên, đến sáng 30-8, ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, cho biết sau khi kiểm tra Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận, sở nắm được thông tin thời điểm trước trận lụt, hồ Đu Đủ đã đầy nước nhưng chưa xả lũ. Công ty cũng đã thông báo về việc hồ đang có mực nước cao hơn mực nước dâng nên dự kiến mở cống xả sâu từ 16 giờ ngày 27-8, lưu lượng mở cống 2 – 10 m3/giây. Trong khi đó, người dân sống hai bên lưu vực sông cho rằng từ nhiều giờ trước khi có thông báo xả lũ, mực nước sông đã lên cao, dòng chảy mạnh.

Chiều 30-8, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với huyện Hàm Thuận Nam khảo sát khu vực ngập tại xã Hàm Mỹ. Trong đó, đánh giá, kiểm tra việc xây dựng, thiết kế đường ĐT 719B và các dòng chảy dẫn nước về. 

Nhanh chóng xác định nguyên nhân

Liên quan vụ ngập hàng trăm hecta thanh long tại huyện Hàm Thuận Nam, trong ngày 29-8, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận đã kiểm tra thực tế khu vực ngập hai bên đường ĐT 719B. Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị các sở, ngành, đơn vị liên quan nhanh chóng xác định nguyên nhân vụ ngập, tránh lặp lại tình huống tương tự, đồng thời khẩn trương khắc phục hậu quả ngập.

Sáng 30-8, đại diện UBND xã Hàm Mỹ cũng đã xuống các hộ gia đình để thống kê thiệt hại phục vụ việc lập phương án hỗ trợ.