Những vùng đất “vô chủ” không quốc gia nào mong muốn

Vẫn còn một vài nơi trên Trái đất không được tuyên bố chủ quyền bởi bất kỳ quốc gia nào.

Tính đến ngày 23/3, dân số thế giới đạt mốc 8.010.493.300 người. Theo dự đoán của tổ chức Liên Hiệp Quốc, dân số toàn cầu có thể sẽ đạt 9 tỉ vào năm 2037.


Tại giữa miền nam Ai Cập và miền bắc Sudan, chúng ta có thể tìm thấy một trong những vùng đất vô chủ cuối cùng còn sót lại trên thế giới. (Ảnh: Shutterstock).

Bất chấp việc dân số loài người đang trở nên rất cao, vẫn còn những vùng đất không thuộc chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào, hay của bất kỳ ai. Chúng được biết đến với cái tên “Terra nullius” – một cách diễn đạt trong tiếng Latinh có nghĩa là “vùng đất không của ai cả”.

Bir Tawil là một vùng đất rộng 2.060 km vuông, nằm gần biên giới giữa Ai Cập và Sudan, và đến nay vẫn không nước nào tuyên bố chủ quyền.

Về cơ bản, Bir Tawil là một vùng đất sa mạc hoang vắng, nơi nhiệt độ có thể lên tới 45⁰C. Các yếu tố khắc nghiệt khiến cho dân số của vùng đất này là con số 0 tròn trĩnh.

Dẫu vậy, vẫn thường xuyên có các bộ lạc du mục đi ngang qua Bir Tawil, chẳng hạn như người Ababda.

Các bộ lạc du mục của người Ababda thường đi qua Bir Tawil,
Các bộ lạc du mục của người Ababda thường đi qua Bir Tawil, nhưng họ không sinh sống tại đây (Ảnh: Getty).

Một số quốc gia đã từng cố gắng đưa ra yêu sách đối với vùng đất này, nhưng không một nỗ lực nào được quốc tế công nhận.

Điển hình như vào năm 2014, Jeremiah Heaton (quốc tịch Mỹ) từng cố gắng giành lấy khu vực này cho riêng mình. Ông gọi nơi đây là “Vương quốc Bắc Sudan” và tuyên bố mình là vua tự xưng.

Không ngạc nhiên khi tuyên bố của ông không được Liên Hợp Quốc công nhận.

Đối với luật pháp quốc tế, không có phần nào của Nam Cực thuộc sở hữu của một quốc gia.

Thế nhưng quy định này không ngăn được 7 quốc gia tuyên bố các phần của lục địa là của riêng họ. Những quốc gia này bao gồm: Argentina, Úc, Chile, Pháp, New Zealand, Na Uy và Vương quốc Anh.

Nam Cực là khu vực bị tranh chấp và tuyên bố chủ quyền của nhiều quốc gia trên thế giới
Nam Cực là khu vực bị tranh chấp và tuyên bố chủ quyền của nhiều quốc gia trên thế giới. (Ảnh: Antarctica).

Nếu hiển thị những yêu sách lãnh thổ này trên bản đồ thế giới, chúng ta sẽ thấy Nam Cực đang bị “cắt” thành nhiều lát như một chiếc bánh pizza, với Úc và Na Uy chiếm miếng bánh lớn hơn cả.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là một góc của Nam Cực hiện vẫn không có quốc gia nào nhận. Nó được gọi là Marie Byrd Land.

Tên gọi này được đặt tên theo vợ của sĩ quan hải quân Mỹ Richard E. Byrd, người đã khám phá khu vực vào đầu thế kỷ 20.

Trải dài trên một diện tích khổng lồ, tới 1.605.792 km vuông, Marie Byrd Land hiện là lãnh thổ không có người nhận lớn nhất trên thế giới.

Lý do tại sao đây vẫn là một “Terra nullius” đơn giản là vì nó quá biệt lập và không dễ dàng thể vượt qua, ngay cả theo tiêu chuẩn của Nam Cực.


Vẫn còn một vài nơi trên Trái đất không được tuyên bố chủ quyền bởi bất kỳ quốc gia nào. Chúng được gọi là các “Terra nullius”. (Ảnh: Getty).

Một “Terra nullius” điển hình khác nằm giữa biên giới vùng Balkan của Croatia và Serbia trên bờ Tây của sông Danube. Theo ước tính, có ít nhất 4 vùng đất tại đây không được tuyên bố chủ quyền bởi bất kỳ quốc gia nào.

Gornja Siga là khu vực lớn nhất trong số này, bao gồm một phần diện tích kéo dài 7km vuông, đóng vai trò như một vùng đầm lầy ngập nước của sông Danube.

Vào tháng 4/2015, một nhóm nhỏ những người theo chủ nghĩa tự do do chính trị gia người Séc Vit Jedlicka lãnh đạo, đã cắm cờ trên vùng này. Họ tuyên bố chủ quyền và gọi đây là một tiểu bang mới có tên là Liberland.

Ý tưởng của những người này là biến đây trở thành một vùng đất “không tưởng” theo chủ nghĩa tự do, không có thuế bắt buộc, không có các quy định tối thiểu của nhà nước, và Bitcoin được sử dụng dưới dạng tiền tệ.

Chính quyền Croatia có lẽ không mặn mà lắm với ý tưởng có một tiểu bang theo chủ nghĩa tự do nằm ngay trước “cửa nhà” họ. Do đó, lực lượng cảnh sát của quốc gia này được cho là đã giải tán đám đông, và bắt giữ bất kỳ ai cố gắng đặt chân lên vùng đất này.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *