Dòng sông này là một trong những sông lớn nhất của tỉnh Bình Thuận.
Con sông được xem là từ khóa “hot nhất” Việt Nam lúc này là sông Cà Ty ở thành phố Phan Thiết, Bình Thuận. Bởi vào ngày 6/4/2024, một người dân Bạc Liêu tên là Huỳnh Phú Tân (ngụ xã Long Điền, huyện Long Hải, Bạc Liêu) đệ đơn xin phép Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho khai thác kho báu khoảng 3 tấn vàng của người Nhật chôn giấu dưới lòng sông Cà Ty.
Nội dung đơn của ông Tân có đoạn: “Ông tổ gia đình tôi đã phát hiện quân đội Nhật chôn giấu khoảng 3 tấn vàng và vật quý dưới sông Cà Ty. Do thời gian quá dài nên tư liệu và hình ảnh không còn. Chỉ truyền đến đời tôi, hiện giờ tôi biết được địa điểm mà thôi” – Báo Thanh Niên thông tin.
Sau khi nhận đơn của ông Huỳnh Phú Tân, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết Sở sẽ xem xét các điều kiện, gửi lên UBND tỉnh xem xét, phê duyệt phương án theo quy định.
Trong khi chờ phương án chính thức xử lý với câu chuyện này, hãy cùng “dạo một vòng” dọc sông Cà Ty để hiểu thêm vì sao dòng sông này lại là một miền sông nước êm đềm của ngư dân Phan Thiết.
Vắt qua trung tâm thành phố Phan Thiết như một dải lụa xanh dịu dàng là dòng sông Cà Ty, vốn trước đây có tên là sông Mường Mán.
Chính xác thì nguồn gốc của cái tên Cà Ty là từ đâu thì không ai biết, nhưng dòng sông này chứa nhiều điều kỳ lạ khiến người dân địa phương không khỏi thắc mắc.
Sông Cà Tỳ về đêm.
Ví dụ như, nước chảy trên sông thường là nước ngọt, nhưng nước chảy ở sông Cà Ty là nước lợ, có đôi khi lại mặn mòi vị biển.
Hay như, cứ khi nào đầu nguồn có mưa là cá tôm trên sông lại như “bị say”, có khi nổi trên mặt nước.
Những điều kỳ lạ đó khiến nhiều người cứ tự cảm thán mà rằng: “Kỳ ta. Sao kỳ vậy ta?”. Lâu dần, “Kỳ ta” đọc ngược thành “Cà Ty” là vì thế.
Sông Cà Ty bắt nguồn từ dãy Núi Ông cao hơn 1.300 mét. Dòng sông này là hợp lưu của của hai dòng sông chính là sông Ta Da và sông Móng mà thành.
Khi chảy qua xã Mương Mán (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận), Cà Ty đổi hướng Đông Nam chảy qua trung tâm thành phố Phan Thiết rồi đi thêm vài km nữa đổ ra biển Cồn Chà (vịnh Phan Thiết).
Cà Ty là một trong những dòng sông lớn nhất của tỉnh Bình Thuận. Sông dài 65 km, diện tích lưu vực lên đến 754 km vuông.
Hiện nay, sông Cà Ty không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, vận tải mà còn là địa điểm thu hút khách du lịch của tỉnh.
Đối với người dân thành phố Phan Thiết, dòng sông êm đềm Cà Ty còn là “sông điều hòa” lớn của họ, làm dịu đi cái nắng miền Nam Trung Bộ mỗi khi hè về.
Trong ký ức và trái tim của người dân Phan Thiết nói riêng và Bình Thuận nói chung, dòng sông Cà Ty là nơi tuổi thơ êm đềm, đẹp đẽ của bao thế hệ trải qua.
Đây là hình ảnh sông Cà Ty của những năm 1990 do nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Thành thực hiện. (Nguồn: Phanthietvn.com).
Dòng sông là minh chứng cho những thăng trầm, phát triển của thành phố Phan Thiết qua 300 năm lịch sử.
Bởi vậy, người dân địa phương nơi đây vẫn nhớ mãi nét đẹp văn hóa đặc trưng gắn liền với Cà Ty giang như Lễ hội Nghinh Ông, lễ hội đua thuyền truyền thống, lễ hội thả hoa đăng hay bắn pháo hoa mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Riêng Lễ hội Nghinh Ông tại Phan Thiết thường diễn ra 2 năm một lần (vào các năm dương lịch chẵn) dịp hạ tuần tháng 7 âm lịch. Lễ hội này bắt nguồn từ văn hoá thờ phụng Quan Công của bộ phận người Hoa ở Phan Thiết, bắt đầu từ năm 1778.
Còn lễ hội đua thuyền truyền thống ở Phan Thiết lại mang đậm nét đặc trưng của người dân miền biển. Cứ mỗi dịp Tết cổ truyền của dân tộc diễn ra, người dân nơi đây lại tổ chức lễ hội độc đáo này, vừa là để giữ gìn nét bản sắc của cha ông truyền lại, vừa thể hiện tinh thần đoàn kết, sức mạnh dẻo dai của ngư dân, sẵn sàng ra khơi bám biển vì cuộc sống ấm no, đủ đầy.
Có thể nói, sông Cà Ty là miền đến để nhiều người “sống chậm hơn” giữa lòng thành phố nhộn nhịp, năng động. Sự kết hợp tưởng chừng đối nghịch này lại là nét hấp dẫn khách phương xa nhất mỗi khi nhắc đến Phan Thiết.