Nghiên cứu là một công việc có nhiều khó khăn và thách thức, không chỉ do bản chất của công việc, mà còn tới từ sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà khoa học và việc đánh giá học giả dựa trên các chỉ số xuất bản và trích dẫn. “Publish or perish” (tạm dịch “Xuất bản hoặc diệt vong”) là câu ngạn ngữ nổi tiếng hay được dùng để lột tả những khó khăn và thách thức mà các nhà khoa học phải đối mặt khi muốn theo đuổi sự nghiệp trong giới hàn lâm. Đối với các nhà khoa học trẻ và các nhà khoa học ở những nước đang phát triển, vốn thiếu thốn tài nguyên và cơ hội được tiếp cận với các kiến thức và phương pháp nghiên cứu bài bản, đáng tin cậy, những áp lực mà họ phải đối mặt còn tăng lên gấp nhiều lần.
Nhận thức được các khó khăn và thách thức trong giới học thuật, nhóm nghiên cứu AISDL (A.I. for Social Data Lab) đã phát triển nền tảng Cổng thông tin SM3D để hỗ trợ đào tạo phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội cho các nhà khoa học trẻ và những nhà khoa học có tài nguyên hạn chế (https://mindsponge.info/about). Nhóm nghiên cứu AISDL có trụ sở tại Hà Nội và được dẫn dắt bởi TS Vương Quân Hoàng (ông đồng thời là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu xã hội liên ngành ISR – Trường Đại học Phenikaa, và là Chủ tịch sáng lập Chi hội Việt Nam của Hiệp hội Biên tập Khoa học châu Âu).
Cổng thông tin SM3D là nền tảng đào tạo khoa học cộng đồng được phát triển dựa trên 3 triết lý khoa học của đội ngũ AISDL: sự minh bạch, sự hiệu quả chi phí và sự chủ động tích cực. Nền tảng được vận hành dựa trên hệ sinh thái quản trị tri thức SM3D (Serendipity-Mindsponge-3D), Lý thuyết Mindsponge, Lý thuyết Serendipity, Chương trình máy tính bayesvl và Khung phân tích BMF (Bayesian Mindsponge Framework).
Thông qua nền tảng này, nhóm nghiên cứu AISDL tạo ra các dự án hợp tác học thuật, trong đó người học là những người hưởng lợi chính bằng cách:
Cải thiện kiến thức và kỹ năng nghiên cứu thông qua những trải nghiệm phong phú được chia sẻ bởi các thành viên của AISDL, người đã là (đồng) tác giả hàng trăm bài báo nghiên cứu được bình duyệt khoa học trong nhiều lĩnh vực, đồng thời đã phục vụ trong nhiều hội đồng biên tập và quá trình đánh giá hàng trăm bài báo và sách khoa học.
Mài dũa kỹ năng nghiên cứu và tăng sự tự tin thông qua quá trình “học thông qua thực hành” (tức là thực hành triển khai nghiên cứu và viết bản thảo trong các dự án thực tế). Đây không phải là một bài giảng lý thuyết cụ thể, mà các nhà nghiên cứu được đào tạo sẽ trực tiếp tham gia vào một dự án nghiên cứu khoa học, từ bước khái niệm hóa ban đầu cho đến quá trình trả lời phản biện.
Nâng cao tên tuổi của các nhà khoa học được đào tạo bằng các công trình xuất bản là kết quả của quá trình đào tạo. Các công trình xuất bản này phải là các bài báo khoa học, chương sách, hoặc sách được bình duyệt (các tạp chí khoa học được chỉ mục trong các cơ sở dữ liệu uy tín, như Web of Science và Scopus, sẽ được ưu tiên lựa chọn).
Vì đây là sáng kiến hỗ trợ các nhà khoa học trẻ và các nhà khoa học không có nhiều tài nguyên, nên người tham gia không cần phải trả bất cứ chi phí nào. Các nhà nghiên cứu tham gia cần có sự chủ động tích cực, kỷ luật tự giác và tinh thần trách nhiệm để thu được kiến thức, kỹ năng, sản phẩm một cách hiệu quả từ quá trình đào tạo.
Các nhà khoa học sôi nổi đăng ký tham gia dự án BMF CP 59.
Từ lúc chính thức được đưa vào hoạt động vào ngày 22/06/2022 đến nay, hơn 70 dự án hợp tác nghiên cứu đã và đang được triển khai trên nền tảng Cổng thông tin SM3D, qua đó đào tạo gần 90 nhà nghiên cứu đến từ 54 tổ chức ở 15 quốc gia. Trong đó, 87,5% thành viên là các nhà nghiên cứu đến từ các nước đang phát triển. Các tổ chức tiêu biểu liên kết với các nhà khoa học tham gia Cổng thông tin SM3D có thể kể đến như: Đại học Calcutta (Ấn Độ), Đại học Chính Pháp Trung Quốc (Trung Quốc), Đại học Monash (Úc), Đại học Pretoria (Nam Phi), Đại học Pepperdine (Hoa Kỳ), Viện Nghiên cứu Chính trị Paris (Pháp), Đại học Tây Ontario (Canada), Cao đẳng Saint Louis (Thái Lan), Đại học Công giáo Widya Mandala Surabaya (Indonesia), Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Đại học Bách khoa Hà Nội (Việt Nam)… Sản phẩm khoa học của quá trình đào tạo đã được xuất bản ở nhiều tạp chí uy tín, tiêu biểu như Thinking Skills and Creativity, International Journal of Human-Computer Interaction, Sustainability…
Sau gần 2 năm được triển khai, có thể nói, Cổng thông tin SM3D là một trong những sáng kiến hữu ích cho cộng đồng khoa học quốc tế, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển. Mong rằng sáng kiến của các nhà khoa học Việt có thể ngày càng mở rộng quy mô và giúp được nhiều nhà khoa học hơn trong tương lai.
CT