Ngày 14/11, Diễn đàn Đông Á của Australia đăng tải bài viết với tiêu đề “RCEP mở ra con đường hợp tác thương mại khu vực” nhân kỷ niệm 4 năm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết.
Nhiều chuyên gia quốc tế nhận định, Hiệp định RCEP sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác và gia tăng lợi ích kinh tế cho các quốc gia thành viên trong tương lai. Ảnh minh họa: Trung tâm WTO. |
Theo hai tác giả bài viết, ông Iman Pambagyo và bà Donna Gultom, đều là cựu quan chức Bộ Thương mại Indonesia, RCEP không chỉ mang lại cơ hội tiếp cận thị trường mới mà còn đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy hợp tác khu vực giữa các quốc gia ngoài ASEAN. Đồng thời, hiệp định này giúp mở rộng các chuỗi giá trị hiện có trong khuôn khổ các FTA ASEAN+1, qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế cho các quốc gia thành viên.
Hai chuyên gia cho rằng, quá trình đàm phán RCEP trong suốt 8 năm qua đã cho thấy việc tập trung vào lợi ích kinh tế chung có thể hóa giải bất đồng, tránh leo thang thành xung đột công khai. Thực tế, ASEAN đã đóng vai trò quan trọng trong việc hòa giải giữa các đối tác, đặc biệt khi nảy sinh căng thẳng phi kinh tế giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Ông Pambagyo và bà Gultom nhấn mạnh, yếu tố cốt lõi làm nên thành công của RCEP chính là “phương pháp ASEAN” – đồng thuận và linh hoạt. Nhờ nguyên tắc đồng thuận, các cuộc đàm phán diễn ra hiệu quả, trong khi sự linh hoạt cho phép các nước thành viên điều chỉnh tốc độ đàm phán khi gặp phải các vấn đề nhạy cảm, tránh làm bế tắc tiến trình.
Theo hai chuyên gia, RCEP không chỉ cung cấp kinh nghiệm quý báu cho các nước trong khu vực về đàm phán những vấn đề phức tạp mà còn tạo tiền đề để ASEAN mở rộng hợp tác thương mại với các đối tác ngoài khối, nâng tầm ngoại giao thương mại toàn cầu.
Đồng quan điểm, Giáo sư Kinh tế học Li Wei tại Học viện Kinh doanh Changgang (Hàn Quốc), cho rằng RCEP sẽ tiếp tục mang lại lợi ích, đồng thời tăng cường tiềm lực và vị thế về kinh tế và chính trị cho các nước thành viên.
Trong cuộc phỏng vấn với Tạp chí Kinh doanh Maeil (Hàn Quốc) vào tháng 9 vừa qua, Giáo sư Li trích dẫn dự báo của Ngân hàng Thế giới, cho biết thu nhập bình quân của các quốc gia thuộc RCEP dự kiến tăng khoảng 2,5% vào năm 2035, nhờ năng suất lao động cải thiện. Đặc biệt, ông nhấn mạnh Malaysia và Việt Nam là hai quốc gia hưởng lợi lớn nhất, với mức tăng thu nhập gần 5% vào cùng thời điểm.
Cũng trong bài viết trên Maeil, Giáo sư Li cho rằng vai trò của Trung Quốc với tư cách là nhà cung ứng trong RCEP sẽ ngày càng được khẳng định. Ông lý giải rằng Trung Quốc có thể chuyển dịch các cơ sở sản xuất sang khu vực Đông Nam Á, đồng thời nhận định các doanh nghiệp sản xuất xe điện lớn của nước này, như BYD, CATL và SAIC Motors, sẽ đẩy mạnh đầu tư vào các quốc gia ASEAN.
Còn theo Giáo sư Kimihiro Fukuyama, ngành Quản lý Công tại Đại học Ritsumeikan châu Á Thái Bình Dương (Nhật Bản), RCEP sẽ tiếp tục thúc đẩy việc hài hòa các quy định và tiêu chuẩn, đơn giản hóa thương mại xuyên biên giới và tạo ra một môi trường kinh doanh dễ dàng hơn.
Trong bài viết trên tờ China Daily (Trung Quốc), ông nhấn mạnh: “Sự hội nhập kinh tế này mang ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các quốc gia Đông Nam Á. Việc gia tăng dòng chảy thương mại sẽ mở rộng quy mô kinh tế, giúp các nhà sản xuất ASEAN tận dụng lợi thế chi phí sản xuất thấp và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.”
Giáo sư Fukuyama cũng cho rằng, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đóng vai trò thiết yếu trong phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy công nghiệp hóa và tạo công ăn việc làm trong khu vực. Ông dẫn lại nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) năm 2021, ước tính RCEP có thể đem lại mức tăng thu nhập cho các nước tham gia lên tới 514 tỷ USD vào năm 2030.
Theo giáo sư Fukuyama, ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đang thúc đẩy một nền kinh tế khu vực năng động thông qua hoạt động thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ và hội nhập chuỗi cung ứng. Ông khẳng định: “RCEP, với trọng tâm là tạo thuận lợi thương mại và hài hòa quy định, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển kinh tế khu vực. Trong tương lai, việc bảo đảm lợi ích công bằng, thu hẹp khoảng cách năng lực và thúc đẩy phát triển đồng đều giữa các nền kinh tế sẽ tiếp tục là yếu tố then chốt để tối đa hóa sự tăng trưởng tại khu vực châu Á và châu Đại Dương.”