Cơn bão số 3 không trực tiếp đổ vào tỉnh Thanh Hóa, nhưng hàng trăm cây xanh ở nhiều tuyến phố trên địa bàn TP. Thanh Hóa đã bị đổ gãy, khiến người dân không khỏi bất an và lo lắng. Người dân cho rằng, việc cơ quan chức năng không thường xuyên chặt tỉa cành cây là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều cây xanh đổ gãy.
Ông Lê Minh Sơn, trú tại phố Lê Ngân, phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa cho biết: Ngày 6/9, tôi phát hiện cây xà cừ hàng chục năm tuổi, to đồ sộ đối diện nhà có hiện tượng nghiêng đổ, tôi đã báo với những nhà bên cạnh, và mang vật dụng để chặn hai bên đường, cảnh báo người dân không đi qua khu vực cây sẽ đổ bất cứ lúc nào. Đúng như dự đoán, đến tối cùng ngày thì cây xà cừ đổ nằm phủ kín con đường rộng hơn 12m, khiến chúng tôi bàng hoàng. Rất may đã không xảy ra thiệt hại về người và tài sản, nhưng đến nay người dân chúng tôi vẫn còn bất an và long lắng, bởi trên tuyến đường còn rất nhiều cây xà cừ to đồ sộ, cành, tán um tùm nhưng chưa được cắt tỉa.
Nói về nguyên nhân đổ cây xà cừ nhiều năm tuổi, ông Lê Minh Sơn cho hay: “Xà cừ là loại cây mọc khá nhanh, nhiều cành, nhánh vươn xa, tán lá rộng nhưng không được cắt tỉa thường xuyên, đặc biệt là vào mùa mưa bão như hiện nay khiến cây đổ gãy là điều dễ hiểu”.
Chỉ tay về cây xà cừ ngay gần nhà, anh Trần Văn Toàn, trú tại phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa không khỏi lo lắng buông lời: “Anh thấy đó, cây xà cừ cành đã vươn sát đất, xe ô tô đi qua là phải tránh, khuất tầm nhìn, cây lại nằm ngay ngã tư đường, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất lớn. Đặc biệt, mùa mưa bão như hiện nay, những cây không được cắt tỉa cành thì có thể đổ gãy bất cứ lúc nào. Chúng tôi rất mong UBND TP. Thanh Hóa sớm chỉ đạo Công ty Môi trường và Công trình đô thị xuống cắt tỉa cây ở khu vực này, để người dân yên tâm”.
Còn anh Nguyễn Tại Tuấn chia sẻ: “Ở đường Hoàng Đình Ái, phường Đông Sơn nối với khu Đông Phát có rất nhiều cây xà cừ được trồng hàng chục năm nay rồi, nhưng rất ít khi có công nhân Công ty Môi trường và Công trình đô thị xuống cắt tỉa, cứ mỗi lần đi ngang qua đoạn đường này tôi rất bất an, phải đạp ga cho nhanh, sợ cây đổ bất cứ lúc nào. Đề nghị cơ quan chức năng sớm cho cắt tỉa hàng loạt cây xà cừ ở đường này để người dân yên tâm, tránh đổ cây có thể gây thiệt hại cho người và tài sản của Nhân dân”.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Hồ Viết Lân, Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa cho biết: Bão số 3 đã làm đổ gãy khoảng 150 cây xanh, năm nay Công ty ký hợp đồng chặt tỉa khống chế chiều cao khoảng hơn 1.000 cây xanh trên địa bàn TP. Thanh Hóa. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn TP. Thanh Hóa có khoảng hơn 40.000 cây xanh nên việc cắt tỉa cành cây là quá lớn, phụ thuộc vào nguồn kinh phí của TP. Thanh Hóa cấp duyệt.
Còn đại diện Đội quy tắc TP. Thanh Hóa cho rằng: Cái khó nhất hiện nay là không có kinh phí để cắt tỉa hết 40.000 cây xanh trên địa bàn thành phố. Bởi lẽ một năm TP. Thanh Hóa chỉ chi khoảng 140 tỷ đồng để phục vụ cho công trình điện sáng công cộng, hạ tầng, thoát nước; chăm sóc cây hoa ở các dãy phân cách, hơn 100ha công viên và chặt tỉa cây xanh… thì không thể đủ được.
Ông Hoàng Văn Tuấn, kỹ sư lâm nghiệp phân tích: Nếu TP. Thanh Hóa cho cắt tỉa thường xuyên cây xanh trên các tuyến phố trước mùa mưa bão thì nguy cơ cây xanh đổ gãy sẽ rất thấp. Việc ngụy biện không có kinh phí là rất khó cho người dân, khi xảy ra cây đổ thiệt hại đến người và tài sản của Nhân dân thì ai chịu trách nhiệm?.
Trước những lo lắng của người dân, chiều ngày 9/9, phóng viên Báo Công Thương trao đổi với ông Lê Anh Tuấn, Phó Bí thư Thường trực TP. Thanh Hóa khẳng định: “Nói không có kinh phí cắt tỉa cây xanh là không đúng. Đây là trách nhiệm của chính quyền phải phục vụ nhân dân. Một là Công ty sẽ phải rà soát, hai là người dân phải có đề nghị với phường, phường tổng hợp báo cáo thành phố sẽ giao Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị cắt tỉa”.
Theo quan sát của phóng viên, hàng loạt cây xà cừ có đường kính lớn, thân cao, cành tán um tùm chạy dọc đường Hoàng Đình Ái, phường Đông Sơn và phố Lê Ngân, phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa rất cần UBND TP. Thanh Hóa chỉ đạo các cơ quan chức năng chặt tỉa cành, khống chế chiều cao.
Thiết nghĩ, những ý kiến của người dân trong việc chặt tỉa cây xanh là rất chính đáng và cần thiết, đề nghị UBND TP. Thanh Hóa sớm quan tâm, chỉ đạo Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị chặt tỉa cành, khống chế độ cao cây xanh trong mùa mưa bão, để người dân yên tâm sinh sống.