Nghiên cứu cho thấy: Bão đi chậm, quanh co càng nguy hiểm

Bão Harvey, di chuyển chậm ở khu vực Texas, Mỹ gây thiệt hại lớn.

Nghiên cứu cho biết tốc độ di chuyển của bão khắp thế giới đã chậm đi đáng kể, nhưng sức mạnh và khả năng gây hại lại tăng lên.

Bão thường được miêu tả như “băng qua” một khu vực nhất định. Nhưng những năm gần đây lại xuất hiện lộ trình bất thường, khi chúng quanh co, lơ lửng nhiều ngày liền. Sự việc này được định danh là hiện tượng “bão dừng”.

Bão Harvey, di chuyển chậm ở khu vực Texas, Mỹ gây thiệt hại lớn.
Bão Harvey, di chuyển chậm ở khu vực Texas, Mỹ gây thiệt hại lớn. (Ảnh: NASA).

Trong một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Nature, thống kê cho thấy những cơn bão trên toàn cầu đã di chuyển với tốc độ chậm đi đáng kể trong hơn 65 năm qua. Hiện tượng này đi cùng với lượng mưa lớn và nước biển dâng.

Cụ thể, bão đi chậm lại trung bình 10% trong giai đoạn 1949-2016. Nghiên cứu nêu ví dụ trực tiếp là cơn bão Harvey, gây ra những trận mưa thảm khốc ở Houston, Mỹ khi nó “quần thảo” ở khu vực này trong thời gian dài.

Jim Kossin, nhà khoa học thuộc Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Mỹ, cũng là tác giả nghiên cứu, cho biết những cơn bão đi chậm sẽ gây nhiều mưa hơn ở một khu vực nhất định. Nó cũng tàn phá nơi đó liên tục bằng sức gió kinh khủng.

Mặt khác, bão di chuyển trên biển càng chậm, sức gió, lượng nước và năng lượng tích tụ bên trong sẽ tăng lên, mở rộng khả năng gây hại. “Mọi mối nguy mà một cơn bão nhiệt đới sở hữu, sẽ tác động lâu hơn. Đó không bao giờ là điều tốt”, ông Kossin nói.

Một trong những nguyên nhân tác động đến tốc độ di chuyển của bão là hiện tượng nóng lên toàn cầu. Trong đó, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến lưu thông chung ở quy mô khí quyển, nơi bão ẩn náu và phát triển. Đặc biệt, sự chậm lại của quá trình lưu thông không khí, do các vùng cực ấm dần lên so với xích đạo, cũng giảm tốc bão.

Ngoài ra, cơn bão di chuyển chậm cũng gây thiệt hại lâu, ở vùng rộng lớn trên đất liền. Báo cáo của ông Jim Kossin cho thấy bão xuất phát từ Đại Tây Dương, di chuyển chậm hơn đến 20% khi đổ bộ đất liền trong hơn 70 năm qua.

Nhiệt độ tăng lên cũng đi cùng lượng mưa. Báo cáo ước tính con số tăng thêm 7-10% với một độ C. Lý do là nhiệt độ tăng khiến bầu khí quyển giữ lại nhiều hơi nước hơn. Trong khi đó, tốc độ di chuyển của bão chậm đi khoảng 10% với chỉ nửa độ C nhiệt độ toàn cầu tăng lên. Hai xu hướng kết hợp này khiến bão ngày càng đáng sợ. Trong đó, sự chậm lại làm tăng sức mạnh của bão là yếu tố nghiêm trọng hơn.