Phát triển theo xu thế kinh tế tuần hoàn là cần thiết
Công nghiệp hóa chất đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế của mỗi quốc gia và là ngành sản xuất lớn thứ 5 toàn cầu. Theo báo cáo “Ngành công nghiệp hóa chất toàn cầu: Thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết các thách thức về tính bền vững của thế giới” của Hiệp hội Hóa chất quốc tế, ngành này đóng góp ước tính 5.700 tỷ USD vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới thông qua các tác động trực tiếp, gián tiếp tương đương với 7% GDP của thế giới và hỗ trợ 120 triệu việc làm trên toàn thế giới.
Do đó, kinh tế tuần hoàn không chỉ là chiến lược quan trọng đối với toàn cầu, đối với từng quốc gia mà còn đối với từng doanh nghiệp; và chính vì vậy các doanh nghiệp công nghiệp nói chung và doanh nghiệp hóa chất phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn cũng chính là đã góp phần cho cả nền kinh tế của quốc gia phát triển theo xu thế kinh tế tuần hoàn.
Nhìn nhận về kinh tế tuần hoàn, nhiều chuyên gia cho rằng, thực tế, có rất nhiều nước đang theo đuổi và đã luật hóa các quy định liên quan đến nền kinh tế tuần hoàn. Đáng chú ý, ngành công nghiệp hóa chất là ngành sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên (quặng apatit, than đá, dầu mỏ…), đồng thời cũng là ngành phát sinh ra nhiều chất thải nguy hại. Nhiều sản phẩm của ngành công nghiệp hóa chất hiện nay chưa được sử dụng hiệu quả hoặc chưa được xử lý triệt để.
Liên quan đến nội dung này ông Nguyễn Hoài Sơn – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dow Việt Nam – cho hay, hiện Dow đã và đang thực hiện 4 dự án về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Trong đó có dự án tiêu biểu như trải 1,4 km đường tại Khu công nghiệp DEEP C (Hải Phòng) từ nhựa tái chế. Tại dự án này, Dow Việt Nam đã kết hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hải Phòng (URENCO Hải Phòng) thu gom bao bì nhựa dẻo để tái chế. Rác thải nhựa này được làm sạch, phơi khô và nghiền nhỏ trước khi trộn với nhựa đường asphalt ở nhiệt độ từ 1.500-18.000 độ C.
Với Dự án làm đường từ rác thải nhựa ở DEEP C Hải Phòng là một ví dụ điên hình cho sự đồng hành giữa doanh nghiệp và Chính phủ trong chiến lược phát triển bền vững nói chung và hưởng ứng kịp thời lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về chống rác thải nhựa nói riêng.
Phâ tích rõ hơn, TS. Phùng Hà – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam cho hay: Xuất phát từ nhu cầu tự thân, cũng như xu hướng chung của thế giới về việc định hướng hóa học thành hóa học xanh, ưu tiên thúc đẩy các dự án về hydro xanh, amoniac xanh, ngành phân bón của Việt Nam thời gian qua cũng tích cực triển khai các dự án xanh, ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Điển hình là một số nhà máy ure đã triển khai thành công quá trình thu hồi CO2 trong sản xuất, để tái tổng hợp thành phân ure như: Nhà máy Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ, Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc….
Cần xây dựng chiến lược phù hợp theo hướng xanh, thân thiện với môi trường
Việc phát công nghiệp hoá chất theo mô hình của kinh tế tuần hoàn hiện vẫn còn nhiều rào cản và cần sự chung tay của các Bộ, ngành để có cơ chế khuyến khích kịp thời. Cụ thể vẫn còn nhiều rào cản về công nghệ, vốn, cơ chế, chính sách.
Hiện ngành hóa chất trong nước ngày càng phải thích ứng, đổi mới công nghệ để đáp ứng những yêu cầu của quốc tế trong nền kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, để đổi mới công nghệ đòi hỏi tiềm lực tài chính. Trong khi đó, ngành hóa chất của Việt Nam vẫn còn nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ với số vốn khiêm tốn. Việc phát triển ngành đặc thù này đòi hỏi thời gian dài, vốn đầu tư lớn, trong khi thu hồi vốn chậm… và cần có một cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp khuyến khích đầu tư.
Trao đổi thêm về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp hóa chất, TS. Mai Thanh Dung – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) – cho biết, hiện Bộ đang xây dựng dự thảo để trình Thủ tướng Chính phủ về dự án xanh, chuyển đổi xanh… Trong thời gian tới, sẽ có những cơ chế tài chính riêng của Nhà nước hỗ trợ cho những dự án xanh, thương mại xanh để góp phần khuyến khích nền kinh tế tuần hoàn.
Một số chuyên gia cũng đưa khuyến nghị, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu, ban hành và “luật hóa” hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn cho việc sử dụng, tái chế chất thải trong ngành hóa chất. Từ hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn này, các đơn vị mới có cơ sở để có thể phát triển và thương mại hóa được các sản phẩm tái chế.
Các chuyên gia cũng nhận định, phát triển công nghiệp hóa chất theo hướng tuần hoàn, bền vững là một xu hướng tất yếu. Để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hóa chất cần xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp; ưu tiên đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng xanh, thân thiện với môi trường. Bên cạnh sự chủ động, nỗ lực của các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng cũng cần có những hỗ trợ ưu đãi về tài chính, tìm đầu ra cho các sản phẩm được tái chế cho các doanh nghiệp
Theo Cục Hoá chất (Bộ Công Thương) thời gian tới việc sửa đổi Luật Hoá chất sẽ giúp hoàn thiện hành lang pháp lý để quản lý chặt chẽ hoạt động hóa chất hướng tới tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời bảo vệ con người, môi trường trước những tác động nguy hại của hóa chất; thúc đẩy ngành công nghiệp hóa chất phát triển theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, phù hợp với xu hướng của thế giới về kinh tế tuần hoàn, hóa học xanh.