Ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường cho biết, với sự phát triển của kinh tế, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với các nước trong khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ ngày càng phổ biến hơn và hình thức cũng tinh vi hơn. Đây là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Trong năm 2023, lực lượng quản lý thị trường đã thanh tra, kiểm tra trên 71.000 vụ và phát hiện, xử lý trên 52.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước trên 500 tỷ đồng. Đáng chú ý, giai đoạn năm 2021-2023, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra, xử lý hàng nghìn vụ việc liên quan đến xâm phạm sở hữu trí tuệ sản phẩm Nhật Bản tại Việt Nam.
Ý thức về việc đấu tranh phòng chống vi phạm là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, lâu dài, nên lực lượng quản lý thị trường đã có nhiều nỗ lực, đồng thời đề xuất những giải pháp tích cực thông qua cơ chế phối hợp giữa các lực lượng, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức và doanh nghiệp.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các công ty của Nhật Bản đã giới thiệu các hàng mẫu là sản phẩm chính hãng, đồng thời hướng dẫn chi tiết về cách nhận biết sản phẩm thật – sản phẩm giả, cũng như đưa ra các biện pháp phòng chống hàng giả tại Việt Nam. Bên cạnh đó, phía Nhật Bản cũng đã cung cấp cuốn cẩm nang xác thực giả mạo cho các cơ quan chức năng để sử dụng trong đào tạo và thực hành kiểm soát hàng giả, giúp nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho các cơ quan thực thi tại Việt Nam.