Vào 22h40, đêm 9/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội đã ban bố lệnh báo động lũ trên sông Cầu tại các xã ven đê thuộc địa bàn huyện Sóc Sơn. Theo đó, tại thời điểm này, mực nước ghi nhận tại sông Cầu vượt mức báo động III là 8,02m, vượt 0,2m (mức báo động III là 8,00m).
Vì vậy, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Sóc Sơn, các đơn vị thuộc địa phận cùng các ngành, cán bộ đã được giao nhiệm vụ thi hành nhiệm vụ nghiêm chỉnh thực hiện những quy định khi có lệnh báo động III.
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và trung du Bắc Bộ dự báo, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với áp cao lục địa tăng cường nên từ đêm 9/9 đến sáng 11/9, thành phố Hà Nội mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, tổng lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi cao hơn 150mm. Đến chiều và đêm 11/9, thành phố Hà Nội mưa vừa, có nơi mưa to và dông, lượng mưa phổ biến 15-30mm, có nơi lớn hơn.
Vào lúc 7h sáng 9/9, mực nước sông Tích tại huyện Quốc Oai là 8,06m, trên báo động lũ cấp III là 0,06m; mực nước sông Bùi tại huyện Chương Mỹ là 6,95m, dưới báo động lũ cấp III là 0,05m.
Những khu dân cư sinh sống ven sông Tích, sông Bùi, vùng trũng thấp thuộc các huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, đặc biệt là các xã, thị trấn: Xuân Mai, Thủy Xuân Tiên, Nam Phương Tiến, Quảng Bị, Tốt Động, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ…
Căn cứ mực nước thực tế, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội đã phát lệnh báo động lũ cấp I trên sông Đáy hồi 20h40 ngày 8/9 tại địa phận các xã ven đê thuộc các huyện: Phúc Thọ, Đan Phượng, Quốc Oai, Hoài Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức và quận Hà Đông; lệnh báo động lũ cấp III trên sông Tích vào hồi 23h20 ngày 8/9 tại địa phận các xã ven đê thuộc các huyện: Quốc Oai và Chương Mỹ; lệnh báo động lũ cấp I trên sông Cầu vào hồi 23h40 ngày 8/9 tại địa phận các xã ven đê thuộc huyện Sóc Sơn.
Để phòng thiệt hại do mưa lớn, lũ lụt gây ra, người dân Thủ đô, đặc biệt là các các huyện có địa hình thấp trũng, ảnh hưởng lũ rừng ngang lưu ý: Trước khi xảy ra mưa lớn, người dân thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo tình hình mưa lũ tại nơi đang sống để chủ động đối phó; chuẩn bị thuyền, phao, bè, mảng, vật nổi; gia cố nhà làm gác lửng, lối thoát trên mái nhà để ở tạm, cất giữ đồ đạc đề phòng lũ lên cao. Dự trữ nước uống, lương thực, thực phẩm để đủ dùng ít nhất trong 7 ngày.
Trong khi xảy ra mưa lớn, người dân cần theo dõi, cập nhật các thông tin liên quan đến lũ, lụt. Khi có cảnh báo lũ, lụt, sạt lở đất, người dân cần tránh xa các khu vực bị ngập lụt, nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ngay cả khi nước đang rút. Không đi bộ, bơi lội, vớt củi, đánh cá hoặc lái xe qua vùng nước đang chảy xiết, không di chuyển qua các vùng đang sạt lở, có nguy cơ sạt lở…