Đảo Zabargad ở Biển Đỏ cấu tạo từ peridotite, một loại đá magma hạt thô chứa đầy đá quý peridot màu xanh đẹp mắt.
Đảo Zabargad nằm cách vùng ven biển phía nam Ai Cập khoảng 50 km ở vịnh Foul thuộc Biển Đỏ. Với diện tích 1,74 km2, đây là đảo lớn nhất trong quần đảo tại vịnh này, theo IFL Science. Zabargad cũng được biết tới như một đảo hoang mạc do chứa rất ít nước ngọt và gần như không có sự sống, ngoại trừ một số loài chim biển sinh sản và chim ó cá. Tuy thiếu sự đa dạng sinh học, hòn đảo được bù đắp về mặt địa chất học.
Đảo Zabargad nằm bên trên trung tâm hoạt động kiến tạo. (Ảnh: Khoroshunova Olga).
Trong suốt thời cổ đại, người dân thu thập đá quý peridot từ đảo và dùng làm trang sức cho các vị vua thống trị những vương quốc ở Địa Trung Hải. Một số bằng chứng sớm nhất về khai khoáng trên đảo Zabargad đến từ Ai Cập cách đây hơn 3.500 năm.
Người Hy Lạp gọi hòn đảo là “Topazios” vì cho rằng đây là nguồn đá quý topaz. Nhưng các nhà khoa học xác định loại đá ở bề mặt đảo là peridotite, đá magma hạt thô giàu olivine và pyroxene. Bên trong lớp đá peridotite, khoáng chất olivine có thể hình thành loại đá quý màu xanh lá cây ánh vàng rực rỡ có tên peridot.
Loại đá này hình thành ở độ sâu hơn 150km trong lớp phủ trên của Trái đất. Bị chôn vùi trong lớp phủ nóng rực và chịu áp suất cực hạn, peridotite từng là magma nhớt lạnh dần và cứng lại, sau đó bị đẩy lên mặt đất. Peridotite trồi lên bề mặt Trái đất do đứt gãy địa chất sâu xảy ra cách đây hàng chục triệu năm, chủ yếu vào đầu kỷ Phấn Trắng. Các mảng kiến tạo va chạm dẫn tới một phần lớp phủ nhô lên lớp vỏ, hình thành hòn đảo kỳ lạ chủ yếu cấu tạo từ peridotite.
Hòn đảo vẫn nằm bên trên trung tâm hoạt động kiến tạo do ở gần Lũng hẹp Biển Đỏ, sống núi giữa đại dương phân chia giữa mảng châu Phi và mảng Arab. Đáy của sống núi cũng giao cắt với Thung lũng đới tách giãn Đông Phi. Hoạt động khai thác đá quý tiếp tục trên đảo tới đầu thế kỷ 20, nhưng gần như ngừng hoàn toàn sau khi chính phủ Ai Cập quốc hữu hóa các mỏ trong nước vào năm 1958.