Xin bà cho biết những kết quả nổi bật về hoạt động của ITTC trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024?
Nhằm phát huy những tiềm năng, lợi thế và thực hiện chủ trương cải cách tổ chức bộ máy cơ quan Nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện nhiệm vụ xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch ở địa phương, ngày 27/2/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg về việc thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Hòa Bình (ITTC Hoà Bình). Việc thành lập trung tâm nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của đơn vị sự nghiệp và tăng cường thu hút đầu tư vào tỉnh, phát triển kinh tế xã hội.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Hòa Bình chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về các giải pháp xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch |
Trong gần 10 năm qua, trung tâm đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và có nhiều điểm sáng trong hoạt động, đã được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua năm 2021 và năm 2023.
Để đạt được kết quả này, Trung tâm đã tập trung đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư. Cụ thể, từ năm 2021, ngoài việc xúc tiến đầu tư trong nước, trung tâm đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư tại nước ngoài. Từ đó đã thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp.
Song song với đó, Trung tâm đã thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông sản như cam, bưởi, mía… sang các thị trường Anh, Úc, Đức… ; xuất khẩu măng, miến, hoa quả sang Nhật Bản, Hà Lan, Mỹ…
Trung tâm cũng đã cung cấp thông tin, hỗ trợ thủ tục pháp lý cho 250 lượt doanh nghiệp, nhà đầu tư… Từ đó, đã thu hút được sự quan tâm của một số nhà đầu tư lớn như Tập đoàn Hoà Phát, Sungroup, APEC Group… góp phần tăng số lượng đầu tư vào resort, homestay trên địa bàn.
Trung tâm còn biên tập, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ các nhà đầu tư như bản đồ số, danh mục dự án thu hút đầu tư, clip, bản tin, website… giới thiệu về Hoà Bình; Đồng thời, tổ chức hội nghị, diễn đàn doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức lớp bồi dưỡng, hỗ trợ chuyển đổi số, đào tạo nghề cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, tổ chức các phiên chợ nhằm quảng bá sản phẩm và kết nối giao thương giữa bà con nông dân và doanh nghiệp để tạo đầu ra cho sản phẩm.
Trong quá trình hoạt động, Trung tâm đã gặp những thuận lợi và khó khăn gì, thưa bà?
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch thực hiện nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh.
Trong đó, việc thành lập và triển khai hoạt động của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Hòa Bình thể hiện sự quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với việc nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; thống nhất một cơ quan đầu mối, tinh gọn bộ máy đơn vị sự nghiệp công lập, khắc phục sự phân tán, chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ và tập trung nguồn lực, tăng cường tính đồng bộ, thống nhất trong việc lập và tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch địa phương.
Tuy nhiên, Trung tâm được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 01/6/2015 đến nay, mặc dù bước đầu đã phát huy hiệu quả nhưng nguồn lực kinh phí để tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và du lịch còn phân tán, chưa tập trung thống nhất, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Mô hình tổ chức và hoạt động của Trung tâm chưa thống nhất ở các tỉnh trong cả nước; chưa có sự hướng dẫn chỉ đạo thống nhất của các Bộ, ngành ở Trung ương về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức.
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch thường xuyên tổ chức các phiên chợ nhằm quảng bá sản phẩm và kết nối giao thương giữa bà con nông dân và doanh nghiệp |
Ngoài ra, việc Trung tâm xúc tiến theo mô hình tập trung (xúc tiến 03 lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch) tiếp cận các chương trình, đề án về xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch của bộ, ngành, cơ quan Trung ương để đưa về triển khai tại địa phương còn hạn chế, do các chương trình, đề án này thường được thông tin, chỉ đạo, quản lý theo ngành dọc; dẫn đến việc thiếu tính đồng bộ, thiếu gắn kết giữa các lĩnh vực, nguồn lực bị phân tán, giảm hiệu quả trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Để khắc phục những khó khăn đó, Trung tâm sẽ triển khai những chương trình gì trong chiến lược phát triển những năm tiếp theo?
Để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội các năm tiếp theo, Trung tâm xây dựng định hướng triển khai thực hiện kế hoạch những năm tiếp theo như sau:
Thứ nhất, triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch.
Thứ hai, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng tập trung, trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, đủ năng lực để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Thứ ba, tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác, kết nối giao thương và phát triển sản xuất kinh doanh nhằm thúc đẩy thương mại nội địa, xuất khẩu.
Thứ tư, phối hợp, thực hiện tốt việc lồng ghép, gắn kết các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch với các chương trình văn hóa, đối ngoại, hợp tác đầu tư; huy động thêm các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện hoạt động xúc tiến toàn diện, hiệu quả.
Thứ năm, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Trung tâm, bảo đảm từng bước thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, biên chế.
Chuyển đổi số là xu hướng không thể đổi khác. Công tác này đã được đơn vị triển khai và thực hiện như thế nào trong việc xúc tiến thương mại và thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh?
Để thực hiện được mục tiêu chuyển đổi số, trong thời gian qua, Trung tâm đã tham mưu UBND tỉnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phục vụ phát triển kinh tế số trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch.
Cụ thể như xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu, bản đồ số về xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình; việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động xúc tiến đầu tư lần đầu tiên được áp dụng tại tỉnh Hòa Bình nói riêng và các tỉnh trong cả nước nói chung; đảm bảo cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan để phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành đối với hoạt động đầu tư và thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, đáp ứng nhu cầu tra cứu của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân tìm hiểu, nghiên cứu, đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh, góp phần làm phong phú, đa dạng công cụ, tài liệu xúc tiến đầu tư, giúp các nhà đầu tư tiết kiệm thời gian, chi phí.
Bên cạnh đó, tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động số 62/KH-UBND ngày 12 tháng 4 năm 2022 của UBND tỉnh về việc thực hiện Quyết định số 1968/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030” năm 2022 và kế hoạch khung giai đoạn 2022 – 2025 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Triển khai các chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số vào trong quản lý, quy trình sản xuất, phát triển sản phẩm từ ứng dụng công nghệ số. Duy trì, nâng cao chất lượng, cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin trên Trang thông tin điện tử, góp phần tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế của tỉnh Hòa Bình; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân tiếp cận tìm hiểu thông tin về chính sách, môi trường đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại và du lịch trên địa bàn tỉnh.
Xin cảm ơn bà!
Công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, năm 2023, GRDP bình quân đầu người đạt 2.790,8 USD, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 2.475,73 triệu USD; kim ngạch xuất khẩu đạt 1.695 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 1.229 triệu USD. Toàn tỉnh hiện có 138 sản phẩm OCOP và nhiều sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp khác đã được xuất khẩu sang các thị trường: Mỹ, EU, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc… Tổng lượt khách du lịch năm 2023 đạt 3,95 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 450.266 nghìn lượt, khách nội địa đạt trên 3,5 triệu lượt người. Lũy kế đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 710 dự án đầu tư còn hiệu lực hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 245.557 tỷ đồng. |