Tại cuộc tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đánh giá, dự báo, tư vấn chính sách từ phía IMF về tình hình kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 và triển vọng, rủi ro trong năm 2025, khuyến nghị của đoàn cho Việt Nam trong thời gian tới; triển vọng tình hình tài chính, tiền tệ thế giới sau các diễn biến gần đây, cũng như ảnh hưởng tới Việt Nam. Các ý kiến của IMF là nguồn thông tin tham khảo quan trọng cho quá trình hoạch định các chính sách quản lý kinh tế vĩ mô.
Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức, kinh tế Việt Nam, mặc dù chịu nhiều tác động, ảnh hưởng rất lớn từ bên ngoài, nhưng vẫn đạt được những kết quả quan trọng.
Chia sẻ về những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế – xã hội những tháng đầu năm 2024 và định hướng lớn của Việt Nam trong phát triển kinh tế – xã hội, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công, thu hút FDI, ngân sách Nhà nước, chính sách tiền tệ, tài khóa, xuất nhập khẩu, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang tiếp tục theo dõi sát tình hình thế giới, phản ứng chính sách phù hợp, ưu tiên cho tăng trưởng, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nghiên cứu giảm lãi suất cho vay, phát hành trái phiếu để thực hiện các công trình hạ tầng chiến lược, miễn giảm thuế, phí, lệ phí… cho doanh nghiệp, điều hành tỷ giá phù hợp, kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm và năng lượng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, phát triển thị trường vốn, xây dựng các trung tâm tài chính…
Đồng thời, Việt Nam tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng nhanh, bền vững dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực, tháo gỡ các vướng mắc về thể chế để huy động nguồn lực phát triển, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn trong những thập kỷ tới, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Thủ tướng đánh giá cao hợp tác thực chất và hiệu quả giữa Việt Nam và IMF trong thời gian qua, trong đó có các khuyến nghị quan trọng của Đoàn tham vấn Điều IV dành cho Việt Nam; đề nghị IMF tiếp tục đồng hành, duy trì các hoạt động đối thoại, tham vấn chính sách kinh tế vĩ mô với Việt Nam trong thời gian tới.
Về phần mình, ông Paulo Medas cho biết, IMF ghi nhận những thành tựu phát triển rất ấn tượng của Việt Nam trong những năm qua, vượt qua nhiều cú sốc khác nhau; đánh giá cao những kết quả của năm 2024 khi Việt Nam là một trong những nước tăng trưởng cao nhất thế giới, xuất khẩu mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài tốt.
Ông cũng đánh giá cao chính sách điều hành hiệu quả của Chính phủ Việt Nam, trong đó có việc duy trì lạm phát ổn định theo mục tiêu. Đây cũng là những nền tảng cho tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam so với phần còn lại của thế giới.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn đối mặt những thách thức lớn từ môi trường bên ngoài trong thời gian tới, như khả năng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu, rất nhiều yếu tố bất định ảnh hưởng tới thị trường tài chính và khiến các nước mới nổi dễ bị tổn thương.
Hoàn toàn nhất trí với các ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Paulo Medas cho biết, các nhà đầu tư đánh giá cao và rất quan tâm tới việc mang nguồn lực tới Việt Nam, trong đó có thị trường trái phiếu.
Đánh giá Việt Nam còn dư địa tài khóa lớn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ông Paulo Medas khuyến nghị Việt Nam tiếp tục chủ động ứng phó với những rủi ro từ bên ngoài; tăng cường năng lực, sự ổn định và lành mạnh của hệ thống ngân hàng, thị trường vốn; tiếp tục cải cách để tăng năng suất, duy trì tăng trưởng lâu dài, bền vững và kiểm soát tốt các rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư… Ông khẳng định IMF luôn sẵn sàng ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam.