Là nơi thử nghiệm vũ khí sinh học mầm bệnh than trong Thế chiến II, đảo Gruinard ở Scotland bị bỏ hoang suốt nhiều thập kỷ.
Đảo Gruinard dài khoảng 2km. Người ta có thể đến đây chỉ với một chuyến tàu ngắn từ bờ biển Ross-shire, vùng Inner Hebrides, phía tây Scotland. Thế kỷ 20, ngoài vài con cừu và khách vãng lai, đảo này không có người ở. Do đó, nơi này trở thành địa điểm lý tưởng cho những thử nghiệm vũ khí sinh học ngoài trời đầu tiên của Anh.
Đảo Gruinard (trái) được chụp với khoảng cách an toàn từ vùng Inner Hebrides, phía tây Scotland. (Ảnh: PaulR1800/Flickr).
Khi Thế chiến II nổ ra, Anh ngày càng lo ngại về việc Đức Quốc xã sử dụng vũ khí hóa học. Người Đức đã tiên phong sử dụng khí mù tạt trong Thế chiến I và có ngành công nghiệp hóa chất phát triển thành lớn nhất thế giới.
Đứng trước mối đe dọa này, các nhà khoa học tại Porton Down, phòng thí nghiệm tối mật của quân đội Anh, được giao nhiệm vụ tìm hiểu sâu hơn về vũ khí hóa học và sinh học. Bệnh than,bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Bacillus anthracis gây ra, đặc biệt thu hút sự chú ý của họ. Căn bệnh này thường xảy ra ở gia súc gia cầm và động vật hoang dã, nhưng cũng có thể lây nhiễm cho người.
Khi hít, ăn hoặc chạm vào mầm bệnh than, nạn nhân sẽ nhanh chóng sốt cao, ớn lạnh, ho, khó thở, buồn nôn, nôn mửa, tăng tiết mồ hôi và mệt mỏi cực độ. Căn bệnh nguy hiểm này có thể dễ dàng gây tử vong nếu không được điều trị thích hợp.
Đến năm 1942, Anh đã nghiên cứu đủ về bệnh than trong phòng thí nghiệm để chuyển sang thí nghiệm ngoài thế giới thực. Đảo Gruinard, nằm ở một trong những khu vực vắng người nhất nước Anh, trở thành địa điểm lý tưởng.
Trong thử nghiệm đầu tiên, nhóm nghiên cứu buộc khoảng 60 con cừu với khoảng cách khác nhau xung quanh một thùng chứa mầm bệnh than được kích nổ bằng chất nổ. Tất cả chúng sau đó đều chết. Trong những thử nghiệm khác, máy bay ném bom bay qua đảo để thả bom chứa mầm bệnh than, khiến nhiều con vật hơn bỏ mạng. Các nhà khoa học sau đó quay lại đảo, mặc đồ bảo hộ HAZMAT để phân tích cừu, giải phẫu cơ thể chúng nhằm hiểu rõ hơn về tác động của bệnh.
Quan điểm chính thức của chính phủ Anh là thí nghiệm trên đảo Gruinard chỉ nhằm mục đích phòng thủ và giúp chuẩn bị cho khả năng xảy ra một cuộc tấn công bằng vũ khí sinh học tại nước này. Tuy nhiên, Anh đã lập ra một số kế hoạch lý thuyết về cách sử dụng loại vũ khí mới với kẻ thù thật. Một trong số đó là Chiến dịch Vegetarian, bao gồm việc thả bánh hạt lanh chứa bào tử vi khuẩn bệnh than xuống những cánh đồng gia súc của Đức nhằm tiêu diệt nguồn cung thực phẩm, lây nhiễm cho hàng nghìn người dân.
Đến tháng 4/1943, phe Đồng minh đã tích trữ 5 triệu bánh hạt lanh. Tuy nhiên, “những cái đầu lạnh” đã chiếm ưu thế và phe Đồng minh quyết định không sử dụng bất cứ vũ khí bệnh than nào trong suốt cuộc chiến.
Sau chiến tranh, đảo Gruinard trở thành cấm địa nghiêm ngặt, ngoại trừ một nhóm nhà khoa học đến kiểm tra đất để xác định dấu hiệu ô nhiễm. Kết quả là các bào tử bệnh than không hoạt động có thể tồn tại ở đó nhiều thập kỷ. Người dân bắt đầu cảm thấy khó chịu, mất kiên nhẫn và mô tả vùng đất này như “một con quái vật ô nhiễm”.
Đến thập niên 1980, nhận thức rằng vấn đề không tự biến mất, chính phủ Anh khởi động một dự án dọn dẹp toàn diện. Nhóm dự án, đã tiêm vaccine phòng bệnh than và mặc đồ bảo hộ, trở lại đảo để khử trùng bằng cách phun lên lớp đất mặt nước biển và formaldehyde, tiêu tốn 50 lít dung dịch cho mỗi m2 đất.
Hè năm 1987, một đàn cừu được đưa lên đảo Gruinard và không có dấu hiệu nhiễm bệnh nào. Vì vậy, năm tiếp theo, Bộ Quốc phòng Anh chính thức tuyên bố hòn đảo “an toàn”. Gruinard sau đó được bán lại cho những người thừa kế của chủ sở hữu ban đầu với giá 500 bảng Anh. Tuy nhiên, hòn đảo vẫn không có người ở.