Với mùa khô kéo dài suốt 9 tháng, lượng mưa trung bình hàng năm ít nhất Việt Nam, Ninh Thuận được xem là vùng khô hạn nhất cả nước.
Ninh Thuận thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; phía Bắc giáp Khánh Hòa, phía Nam giáp Bình Thuận, phía Tây giáp Lâm Đồng và phía Đông giáp biển Đông.
Nhiệt độ trung bình hàng năm ở Ninh Thuận 26-27 độ C, độ ẩm không khí từ 75-77%. Thời tiết ở Ninh Thuận có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 11; mùa khô từ tháng 12 đến tháng 8 năm sau. Lượng mưa trung bình 700-800 mm, tăng dần đến trên 1.100 mm ở miền núi.
Nguồn nước ở Ninh Thuận phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc và trung tâm tỉnh. Nguồn nước ngầm chỉ bằng một phần ba mức bình quân cả nước.
Hoa màu không có nước tưới, nhiều vật nuôi như cừu, bò chết đói chết khát, bà con nơi đây đang phải đối mặt với một mùa vụ thua lỗ.
Những con cừu “khát” nước, thiếu ăn do đồng khô, suy kiệt trong nắng hạn khốc liệt của miền Trung.
“Mấy nay hạn hán thiếu nước, cừu không có nước uống mà cỏ cũng không có để ăn, chết nhiều lắm”, anh Trần Công Còn xót xa nói.
Theo người dân Ninh Thuận, hạn hán khiến hồ nước trơ đáy, không có cỏ để ăn, những con cừu con được sinh ra cũng chết sớm.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận, tính đến ngày 22/4, tổng dung tích của 23 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh hiện còn 168,72 triệu/417,70 triệu m3, chiếm trên 40% dung tích thiết kế. Một số hồ chứa nước đã kiệt như hồ Ông Kinh, hồ CK7 và một số hồ có nguy cơ cạn kiệt như hồ Phước Nhơn, Suối Lớn, Bầu Ngứ, Tà Ranh, Bầu Zôn…
Theo dự báo, nếu hạn hán kéo dài, nhiều hồ không còn nước tưới, nhiều diện tích nông nghiệp trong tỉnh sẽ phải dừng sản xuất, nguy cơ thiếu đói sẽ xảy ra ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. “Bò lớn, bò nhỏ hôm rày chết cũng 8 – 9 con rồi, không có đồ ăn nước uống, kiểu này chỉ có chết”, một người dân cho biết.
UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, trường hợp hạn hán kéo dài, lượng mưa thấp kết hợp với nắng nóng sẽ dẫn đến việc thiếu nước sinh hoạt nông thôn xảy ra gay gắt. Hiện nay, một số nguồn nước suối đã giảm, như tại Suối Lạnh, Ô Căm, Lồ Ồ, Kiền Kiền, A Nhân, Ma Nhông, Tập Lá…
Theo kế hoạch ứng phó hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn năm 2024, nếu trường hợp xấu nhất trong tháng 5 không có mưa thì năm nay Ninh Thuận phải dừng sản xuất gần 7.600 ha, trong đó gần 4.900 ha cây màu và 2.692 ha lúa, tập trung ở các xã thuộc huyện Bác Ái, Thuận Nam và Ninh Phước.
Giờ đây, những con cừu kiệt sức trong nắng hạn Ninh Thuận phải gặm những cọng cỏ đã khô cháy còn sót lại giữa những cánh đồng, lòng hồ nứt nẻ
Mong muốn của bà con không chỉ là có mưa về giải hạn mà còn là những phương án kịp thời của địa phương để dẫn nước về cho rốn hạn lâu năm này.
Trong không gian khô cằn, ngoài tiếng máy bơm hoạt động liên tục thì chỉ còn nhăng nhẳng tiếng chim dại khô khốc như báo hiệu một mùa khô cạn kéo dài thách thức con người và động vật nơi đây.
Tính đến ngày 22/4/2024, tổng dung tích của 23 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận còn 168,72 triệu/417,70 triệu m3, chiếm trên 40% dung tích thiết kế. Theo dự báo, nếu hạn hán kéo dài, nhiều hồ không còn nước tưới, nhiều diện tích nông nghiệp trong tỉnh sẽ phải dừng sản xuất, nguy cơ thiếu đói sẽ xảy ra ở nhiều địa phương. Đặc biệt vấn đề nước sinh hoạt của người dân sẽ bị thiếu, có khoảng 1.484 hộ/5.836 khẩu ở một số địa phương của các huyện cần phải chở nước phục vụ.
Trước tình hình đó, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách, lâu dài để ứng phó, chủ động huy động mọi nguồn lực không để người dân thiếu nước sinh hoạt, không để thiếu đói và phát sinh dịch bệnh, tập trung quyết liệt chuyển đổi cây trồng tiết kiệm nước, bảo vệ đàn gia súc, không để xảy ra thiệt lớn.